Ăn gỏi cá sống: Coi chừng sướng miệng, khổ thân

Một số vùng của tỉnh Phú Yên, Nam Định... đang là “điểm nóng” của tình trạng nhiễm các loại ký sinh trùng gây bệnh nguy hiểm như sán lá gan nhỏ, sán lá ruột.

Trong khi đó, kết quả điều tra bước đầu của dự án Ký sinh trùng gây bệnh có nguồn gốc thuỷ sản tại VN (FIBOZOPA) được triển khai ở một số vùng cũng cho thấy tình trạng nhiễm sán trên người rất đáng lo ngại. Trao đổi với Tuổi Trẻ sâu hơn về vấn đề này, ông Bùi Ngọc Thanh - quản đốc dự án FIBOZOPA - cho biết:

Tại VN, những loài ký sinh trùng gây bệnh cho con người có nguồn gốc từ thuỷ sản (như sán lá gan nhỏ Clonorchis sinensis/Opisthorchis viverrini gây bệnh ung thư đường ống mật và sỏi mật) có tỉ lệ nhiễm khá cao. Đây không chỉ là vấn đề đối với sức khỏe cộng đồng mà còn là vấn đề an toàn thực phẩm ở các vùng nông thôn và vùng nuôi trồng thủy sản xuất khẩu.


Vòng đời của sán lá (Ảnh: TTO)

* Thưa ông, vì sao một số tỉnh lại có tỉ lệ người nhiễm các loại ký sinh trùng cao?

- Theo nhiều nghiên cứu, con người bị nhiễm các loại ký sinh trùng này chủ yếu là do tập quán ăn gỏi cá nước ngọt (phổ biến là tại Nam Định, Ninh Bình), gỏi sinh cầm (ăn cá còn đang bơi, tại Phú Yên) hay các món ăn từ cá mà chưa được nấu chín.

* Thưa ông, hiện nay ở VN đã có những nghiên cứu nào được công bố và cảnh báo nguy cơ về những loài cá, loài ốc... mang ký sinh trùng có thể lây lan sang người?

- Tại VN, theo thông tin chúng tôi nắm thì vẫn chưa có một điều tra có tính quy mô và cơ bản về những loài ký sinh trùng này ở trên cá nước ngọt. Nhưng theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), có ít nhất 7 loài cá nước ngọt tại VN có thể nhiễm ấu trùng sán lá gan nhỏ, tỉ lệ nhiễm cao thường thấy ở cá Mè trắng và cá Rô đồng.

Ngoài ra, dự án FIBOZOPA cũng đã điều tra thực địa và kết quả nghiên cứu sơ bộ cho thấy có tỉ lệ nhiễm sán trên người và cá nuôi tại một số tỉnh. Cụ thể như sau:

+ Tại Nam Định, xét nghiệm trên 600 chủ hộ là nam giới tại 2 xã Nghĩa Phú và Nghĩa Lạc, huyện Nghĩa Hưng cho thấy tỉ lệ người nhiễm ký sinh trùng gây bệnh lên tới 65%, bao gồm 2 nhóm sán chính là sán lá ruột và sán lá gan nhỏ. Trong năm 2006, dự án sẽ triển khai một nghiên cứu có tính chiều sâu về các loài sán này trên cá nước ngọt tại Nam Định.

+ Tại Nghệ An, xét nghiệm trên hơn 1.300 chủ hộ có tham gia vào hoạt động nuôi trồng thuỷ sản là nam giới thuộc 5 huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, Tân Kỳ, Thanh Chương và Yên Thành cho thấy tỉ lệ nhiễm sán rất thấp: chỉ dưới 1%. Mặc dù vậy, kết quả nghiên cứu trên cá nước ngọt tại các huyện này lại cho thấy tỉ lệ nhiễm ấu trùng tương đối cao, từ 30-40%.

* Thưa ông, các loại ký sinh trùng như ông vừa nêu có chết trong môi trường nước sôi?

- Những ký sinh trùng này có trong cá sẽ bị chết trong môi trường nhiệt độ cao. Nếu cá được nấu chín thì sẽ loại bỏ hoàn toàn nguy cơ lây nhiễm ký sinh trùng. Theo một số nghiên cứu của các nhà khoa học, ấu trùng sán lá gan (Clonorchis sinensis) có thể sống sót đến 2,5 giờ ở nhiệt độ 40OC.

Nhưng khi ở nhiệt độ 65OC, ấu trùng này sẽ chết chỉ sau 3 phút. Tuy nhiên, để đảm bảo sự ổn định, tính an toàn lâu dài, thì các giải pháp trong nuôi trồng thuỷ sản là hết sức quan trọng, làm sao đảm bảo sự kiểm soát một cách chặt chẽ các mối nguy hiểm đầu vào đối với hệ thống nuôi trồng thủy sản.

QUỐC THANH thực hiện

Theo Tuổi trẻ Online
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video