Ăn nhiều carbohydrates tinh chế có thể liên quan với mãn kinh sớm

Một nghiên cứu mới cảnh báo rằng ăn nhiều carbohydrates tinh chế, đặc biệt là mì ống và cơm trắng có thể khiến phụ nữ bị mãn kinh sớm hơn khoảng 1,5 năm.

Các phát hiện đăng trên Journal of Epidemiology and Community Health chỉ ra rằng việc hấp thu nhiều hơn các thực phẩm lành mạnh như cá có dầu, các loại đậu tươi như đậu Hà Lan, đậu xanh có liên quan tới mãn kinh muộn hơn.

Tác giả chính của nghiên cứu, Yashvee Dunneram từ ĐH Leeds, Anh cho biết: “Có một số nguyên nhân được xem xét trong mối liên quan giữa độ tuổi và thời kỳ mãn kinh như các yếu tố di truyền hoặc các hành vi và môi trường. Nhưng có rất ít nghiên cứu tìm hiểu tác động của chế độ ăn lên thời kỳ mãn kinh”.

Nghiên cứu sử dụng dữ liệu từ hơn 14.150 phụ nữ sống ở Anh. Cùng với bảng câu hỏi về chế độ ăn uống chi tiết, một khảo sát ban đầu đã thu thập thông tin về tiền sử sinh sản và sức khỏe của họ. Sau đó 4 năm, các nhà nghiên cứu thực hiện một khảo sát dựa trên bảng hỏi tiếp theo để đánh giá các chế độ ăn của những phụ nữ khởi phát mãn kinh tự nhiên trong thời gian này.


Chế độ ăn uống với rất nhiều mì ống và cơm cho thấy thời kỳ mãn kinh có nhiều khả năng xảy ra sớm.

Độ tuổi mãn kinh trung bình của phụ nữ Anh là 51 tuổi. Hơn 900 phụ nữ từ 40 tới 65 tuổi bị mãn kinh trong khảo sát thứ 2, nghĩa là họ không có kinh nguyệt trong ít nhất 12 tháng liên tiếp và mãn kinh không liên quan tới phẫu thuật ung thư hoặc điều trị thuốc.

Phân tích chế độ ăn uống của họ cho thấy, hấp thu lượng cá béo cao có liên quan đến việc mãn kinh muộn trong gần ba năm. Chế độ ăn uống với rất nhiều mì ống và cơm cho thấy thời kỳ mãn kinh có nhiều khả năng xảy ra sớm hơn trung bình một năm rưỡi. “Độ tuổi bắt đầu mãn kinh có thể gây ra những ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng đối với một số phụ nữ”, đồng tác giả nghiên cứu Janet Cade, giáo sư tại ĐH Leeds, cho biết.

Các nghiên cứu trước đây đã cho thấy rằng thời kỳ mãn kinh sớm hơn có liên quan đến mật độ xương thấp hơn, loãng xương và tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, trong khi thời kỳ mãn kinh muộn hơn có liên quan đến nguy cơ ung thư vú, buồng trứng và nội mạc tử cung cao hơn.

Mặc dù nghiên cứu mới này là nghiên cứu quan sát và không chứng minh quan hệ nhân quả, các nhà nghiên cứu cung cấp một số giải thích khả thi đằng sau phát hiện của họ. Ví dụ, các loại đậu có chứa chất chống oxy hóa, có thể bảo tồn kinh nguyệt lâu hơn. Tương tự, các axit béo omega-3 được tìm thấy trong cá dầu, cũng kích thích khả năng chống oxy hóa trong cơ thể.

Mặt khác, carb tinh chế làm tăng nguy cơ kháng insulin, có thể ảnh hưởng đến hoạt động của hoóc môn giới tính và làm tăng hàm lượng estrogen. Điều này có thể làm tăng số lượng chu kỳ kinh nguyệt dẫn đến việc cung cấp trứng nhanh hơn.

Carbohydrate tinh chế là những thực phẩm giàu carbohydrate đã thông qua nhiều mức chế biến làm sạch, đã mất tối đa các chất kèm theo carbohydrate trong thực phẩm. Mức tinh chế càng cao, lượng mất các thành phần cấu tạo càng lớn, chất xơ bị loại trừ càng nhiều, hàm lượng carbohydrate càng tăng và thực phẩm trở nên dễ tiêu hơn.

Carbohydrate tinh chế là nguyên nhân chính trong vấn đề gây béo phì, rối loạn chuyển hóa mỡ và cholesterol ở người nhiều tuổi, người già ít lao động chân tay.

Những thực phẩm thuộc loại carbohydrate tinh chế cao:

  • Các loại đồ ngọt, trong đó lượng đường quá 70% năng lượng hoặc tuy có hàm lượng đường thấp (40 - 50%) nhưng mỡ cao (30% và hơn).
  • Bột ngũ cốc tỉ lệ xay xát cao, hàm lượng cellulose ở mức 0,3% hoặc thấp hơn cũng thuộc loại carbohydrate tinh chế vì chúng dễ tạo mỡ để tích chứa trong cơ thể.
Cập nhật: 03/05/2019 Theo Dân Trí/voer.edu.vn
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video