Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm ung thư Kimmel thuộc Đại học Thomas Jefferson của Mỹ đã phát hiện ra rằng các nồng động chất béo và cholesterol tăng cao trong một chế độ ăn kiểu Mỹ điển hình đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển và lây lan của bệnh ung thư vú. Kết quả nghiên cứu này được đăng trên tạp chí "American Journal of Pathology" số ra tháng 1/2011.
Hiện nay, tỷ lệ mắc bệnh ung thư vú ở các nước phương Tây cao gấp năm lần so với các nước phát triển khác.
(Ảnh minh họa: Urgentbodyfit)
Trong thí nghiệm của mình, tiến sỹ Philippe G. Frank cùng với các đồng nghiệp đã sử dụng phương pháp nghiên cứu trên chuột PyMT nhằm đánh giá vai trò của chất béo và cholesterol đối với sự phát triển của bệnh ung thư vú. Mô hình này được cho là có mối liên hệ tương đương với sinh bệnh học của bệnh ung thư vú ở người.
Những chú chuột PyMT được hướng dẫn tuân theo một chế độ ăn phương Tây điển hình bao gồm 21,2% chất béo và 0,2% cholesterol. Một nhóm đối chiếu các chú chuột PyMT sẽ thực hiện chế độ ăn bình thường bao gồm 4,5% chất béo và lượng cholesterol không đáng kể.
Các nhà khoa học đã phát hiện được rằng các khối u đã phát triển nhanh chóng ở những chú chuột ăn theo chế độ nhiều mỡ và cholesterol.
Ở nhóm này, số lượng các khối u gần như nhiều gấp đôi và lớn hơn 50% so với những khối u ở những chú chuột ăn theo chế độ bình thường.
Để khẳng định bản chất phát triển nhanh của bệnh ung thư ở những chú chuột ăn chế độ nhiều mỡ và cholesterol, các nhà khoa học đã kiểm tra các nồng độ của một số chỉ dấu sinh học của sự phát triển các khối u và nhận thấy dấu hiệu của tình trạng ung thư phát triển nhanh hơn so với các khối u ở nhóm kiểm soát.
Trước đó, cũng đội ngũ nghiên cứu của tiến sỹ Frank đã phát hiện ra mối liên hệ giữa cholesterol và nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt.
Ung thư vú là loại ung thư thường gặp nhất và gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ nhiều nước công nghiệp. Theo Cơ quan nghiên cứu ung thư thế giới (IARC) vào năm 1998 thì ung thư vú đứng đầu, chiếm 21% trong tổng số các loại ung thư ở phụ nữ trên toàn thế giới