Các nhà khoa học thuộc cơ quan khảo sát địa chất Anh vừa cho ra mắt một thư viện hóa thạch 3D ảo đầu tiên trên thế giới. Đây là nguồn tư liệu quý giá, giúp công chúng có thể truy cập và tìm hiểu thông tin dễ dàng về các mẫu hóa thạch.
Đây là nguồn tư liệu quý giá, giúp giới nghiên cứu và công chúng có thể truy cập và tìm hiểu thông tin dễ dàng về các mẫu hóa thạch, thậm chí sử dụng kỹ thuật in 3D để in bản sao của các mô hình này.
Ảnh: cepolina.com
Cơ quan khảo sát Địa chất Anh cho biết, có khoảng 20.000 bản chụp cắt lớp hóa thạch tại thư viện. Tiến sỹ Mike Howe – người giám sát quá trình chụp cắt lớp và chụp ảnh hầu hết các loại hóa thạch tìm được ở Anh, khẳng định: “Hiện chưa có cơ quan nào công bố rộng rãi bộ sưu tập các bản hóa thạch 3D lớn như vậy. Thư viện của chúng tôi là nơi đầu tiên tiến hành công việc này”.
Kỹ thuật viên Michela Contessi cho biết, quá trình chụp các mẫu hóa thạch và đưa lên mạng tiêu tốn rất nhiều thời gian cũng như đòi hỏi sự kiên nhân và tỉ mỉ kỹ lưỡng đến từng chi tiết. Ông nói: “Số lượng bản chụp phụ thuộc vào hình dạng của mẫu hóa thạch. Để ghi lại toàn bộ chi tiết của mô hình 3D hoàn chỉnh của một vỏ ốc hóa thạch, chúng tôi đã phải chụp ít nhất 10 tấm ảnh”.
Công chúng và giới nghiên cứu có thể tìm kiếm và tải miễn phí tất cả các bản chụp cắt lớp bằng máy tính cá nhân hay điện thoại. Theo nhóm chuyên gia, đây là nguồn tư liệu hữu ích cho các nhà địa chất học vì họ không phải trả phí truy cập và xem tận mắt mẫu hóa thạch gốc. Trong tương lai, các nhà khoa học dự định sẽ áp dụng phương pháp này đối với các mẫu vật có kích thước lớn hơn ví như xương khủng long.