Hiện nay, chỉ có Nga và Mỹ có công nghệ chế tạo giáp dùng vào việc bước ra khoảng không vũ trụ. Mặc dù nhiệm vụ đối với bộ giáp vũ trụ của Mỹ và Nga như nhau, nhưng 2 phía có cách giải quyết khác nhau.
Chính điều đó giải thích việc trong hơn hai năm nay đội bay trên Trạm Không gian quốc tế (ISS) vẫn sử dụng bộ Orlan. Vấn đề ở chỗ các bộ giáp của Mỹ được dự trù cho nửa năm làm việc. Các nhà thiết kế Mỹ xuất phát từ tính toán là khi phi hành đoàn ở lâu trong vũ trụ, các bộ giáp đó được định kỳ đưa trở về trái đất để duy tu. Nhưng do các tàu con thoi Mỹ có vấn đề, tất cả các phi hành gia đã phải chuyển sang mặc bộ của Nga.
Orlan được tính toán để có thể sử dụng tốt trên quỹ đạo trong 4 năm. Trong các bộ đó chỉ cần thay bình ôxy, các hộp hấp thụ và bổ sung lượng nước dự trữ. Ngoài ra, việc chỉnh cho bộ của Nga phù hợp với bất cứ kích cỡ cơ thể nào đơn giản hơn so với bộ của Mỹ. Ưu điểm của bộ Orlan là ở chỗ nhà du hành nào cũng mặc vừa và không chỗ nào bị ép cả. Phi hành gia có thể tự mặc nó mà không cần sự giúp đỡ. Để làm việc này anh ta chỉ cần bước qua nắp ở phần lưng của bộ giáp. Nắp này đồng thời là chiếc balô chứa thiết bị đảm bảo sự sống cho phi hành gia.
Trong khi đó bộ giáp của Mỹ gồm 2 phần nối với nhau ở thắt lưng. Cần tới 2 người để mặc nó, như kiểu người ta mặc giáp sắt vào thời Trung cổ, và tốn nhiều thời gian hơn cho việc đó. Các chuyên gia Mỹ đã quyết định bắt chước ý tưởng làm kiểu có nắp vào như của các đồng nghiệp Nga: Những bộ giáp của Mỹ dùng cho các chuyến bay liên hành tinh sẽ được làm theo cùng nguyên tắc như của Nga.
Orlan-MK là phiên bản thứ 5 của dòng Orlan. Điểm khác biệt chủ yếu của nó so với Orlan-M, hiện đang được dùng trên ISS, là máy tính. Orlan mới là bộ giáp đầu tiên của Nga được trang bị máy tính. Điều đó làm bộ giáp rất “tự chủ”, thêm vào đó, đặc điểm này thể hiện ngay khi mặc. Khi đó bộ áo giáp sẽ cho biết cần kiểm soát những hệ thống nào, theo trình tự nào trước khi bước ra khoảng không vũ trụ, còn khi phi hành gia đã rời khỏi trạm, nó sẽ đều đặn báo cho biết tình trạng hoạt động của tất cả các hệ thống trong bộ giáp. Khi xuất hiện tình huống không tiêu chuẩn (chẳng hạn áp suất trong bộ giáp giảm, tiêu hao ôxy tăng...), máy tính báo ngay cho phi hành gia (thông tin được hiển thị trên bảng và có tín hiệu âm thanh) và khuyến cáo cần hành động thế nào. Máy tính được bố trí ở nửa bên phải của phần ngực, cho phép bảng hiển thị luôn ngay trước mắt.
Một chi tiết mới của các nhà kỹ thuật Nga là hệ thống phản lực để cứu phi hành gia khi bị tách rời khỏi tàu. Nó là một khung có 16 động cơ khí nhỏ, có hệ thống ổn định tự động và bảng điều khiển. Bình thường hệ thống đó không được sử dụng. Về mặt này có thể so sánh nó với ghế nhảy dù trên máy bay. Người phi công có thể bay cả đời mà không cần dùng tới ghế đó. Hệ thống này cũng để cứu hộ trong tình huống khẩn cấp. Hệ thống cứu hộ, cũng như bộ giáp, đều tốt hơn bộ tương tự của Mỹ. Trong các tình huống cần thiết, sinh mạng của phi hành gia phụ thuộc vào việc anh ta định hướng lại và sử dụng phao cứu sinh vũ trụ nhanh đến mức nào.
Người ta dự kiến những hệ thống cứu hộ đầu tiên sẽ được đưa lên quỹ đạo khi các chuyến bay thường kỳ của tàu con thoi Mỹ được tái lập: hiện tại khi việc đưa tất cả các chuyến hàng lên ISS đều do Nga đảm nhận, mỗi kilogram đều rất quý. Orlan-MK sẽ được dùng trên ISS vào năm 2007 khi các bộ Orlan-M đang dùng trên đó hết thời hạn sử dụng.