Hé lộ tàu vũ trụ thế hệ mới của Nga

  •  
  • 2.348

Cơ quan không gian Nga Roscosmos vừa quyết định chọn đối tác nghiên cứu chế tạo loại tàu vũ trụ chở người thế hệ mới, có khả năng đưa 6 phi hành gia lên quỹ đạo trái đất và một phiên bản có thể lên mặt trăng. 

Mô hình tàu vũ trụ thế hệ mới của Nga. Ảnh: Russianspaceweb.


Công ty được giao trọng trách nghiên cứu chế tạo là RSC Energia. Tàu vũ trụ đời mới của Nga sẽ thay thế cho tàu Soyuz có 3 chỗ ngồi, vốn bền bỉ đưa các phi hành gia Liên Xô trước đây và Nga ngày nay vào quỹ đạo trong suốt hơn 4 thập kỷ qua. RSC Energia cũng là nhà máy đã chế tạo các phiên bản đầu tiên của tàu Soyuz vào cuối những năm 1960.

Tàu thế hệ mới hiện chỉ được biết đến với tên gọi tắt theo tiếng Nga là PPTS, dự kiến sẽ bay trước năm 2020. Phiên bản sử dụng trên quỹ đạo trái đất của tàu này sẽ có tổng trọng lượng khoảng 12 tấn, chở được 6 phi hành gia cùng với 500 kg hàng. Trong khi phiên bản dùng để chinh phục mặt trăng sẽ nặng 16,5 tấn, có 4 chỗ ngồi và có thể chở đi và mang về 100 kg hàng.

Ngoài ra, theo kế hoạch thiết kế còn có tàu chở hàng vũ trụ không người lái có thể chở 2.000 kg hàng lên quỹ đạo và quay về trái đất với 500 kg hàng. Nỗ lực chế tạo tàu vũ trụ mới của Nga diễn ra gần như song song với tiến trình phát triển tàu không gian thế hệ tiếp theo của Mỹ có tên gọi Orion, với hình dáng giống một chiếc đĩa bay.

Nghiên cứu tiền khả thi trong chương trình chế tạo tàu vũ trụ mới của Nga sẽ kéo dài đến tháng 6/2010 với kinh phí đầu tư 800 triệu Rouble (23 triệu USD).

Trong những năm gần đây, Nga và châu Âu đã tìm kiếm khả năng cùng phát triển tàu vũ trụ, nhưng hai bên không đạt được thỏa thuận về phân công công việc. Do đó châu Âu cũng sẽ tự mình theo đuổi việc nâng cấp tàu vũ trụ chở hàng ATV thành tàu có người lái, tuy nhiên vẫn sử dụng một số công nghệ của Nga.

Theo VnExpress (BBC)
  • 2.348