Nhu cầu về các chất bột và chất bổ sung giàu dinh dưỡng sẽ tạo ra một thị trường mới cho các loại rau quả, giúp giải quyết vấn đề chất thải nông nghiệp.
Ông John Said, một nông dân trồng rau ở Australia, là người đã giúp hiện thực hóa ý tưởng trên. Ông Said cho biết trong mỗi kỳ thu hoạch có tới 15% súp lơ và bông cải xanh phải loại bỏ, không bán được cho các nhà bán lẻ. Đó là những bông không đẹp, không nở đều. Những người trồng rau như ông luôn lo lắng về tình trạng lãng phí thực phẩm, về vấn đề sản lượng, nhưng chưa bao giờ thực sự có được một thị trường hoặc một cách thức cụ thể để giải quyết tình trạng lãng phí đó.
Australia đang hy vọng không lâu nữa sẽ có thể sản xuất ra các viên thuốc bổ từ bông cải xanh và súp lơ. (Ảnh: abc.net.au).
Hai năm trước, Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Australia (CSIRO) đã tới gặp ông và đặt vấn đề có thể biến lượng bông cải bỏ đi của ông thành các viên thuốc khi súp lơ và nhất là bông cải xanh chứa rất nhiều chất dinh dưỡng. Các nhà khoa học của CSIRO bắt đầu với bông cải xanh vì đây là loại rau bổ dưỡng nhất, rất giàu protein, nhất là cải xanh khô có đến 30% là chất đạm. Tuy nhiên phải mất đến 18 tháng, các nhà khoa học mới phát triển được một loại bột có chứa gần như tất cả các chất dinh dưỡng tương tự như bông cải xanh tươi.
Sau đó, nhóm nghiên cứu cũng đã dùng loại bột này để sản xuất thử một số đồ ăn nhẹ như bánh và snack cải bông, và thực phẩm bổ sung tăng cường thêm omega 3. Người đứng đầu dự án, ông Luz Sanguansri xác nhận CSIRO đang làm việc với một số công ty thực phẩm và hy vọng sẽ có những sản phẩm này trong các siêu thị trong vòng một năm.
Song song với việc phát triển các sản phẩm thực phẩm, CSIRO thực hiện một nghiên cứu để tìm hiểu xem có bao nhiêu trái cây và rau quả bị lãng phí và kết quả cho thấy có đến 1,5 triệu tấn bị vứt bỏ trước khi rau quả tới được các kệ hàng trong siêu thị. Kết quả nghiên cứu cũng đã xác định được các khu vực thải loại rau quả nhiều nhất trên toàn quốc và chọn ra các địa điểm để xây dựng các cơ sở chế biến rau quả thải loại thành nguyên liệu sản xuất thực phẩm. Hiện CSIRO đang tiến hành xây dựng hai nhà máy chế biến ở Gippsland, bang Victoria, và Townsville, bang Queensland.
Không chỉ có CSIRO, công ty Kagome chuyên chế biến sản phẩm cà chua và cà rốt tại bang Victoria cũng đang theo đuổi ý tưởng trên. Nhà máy tại Echuca của công ty có công suất chế biến 18.000 tấn cà rốt mỗi năm, trong đó có đến một phần tư bị loại bỏ. Ông Brad Free, Giám đốc công ty Kagome, cho hay trong quá trình sản xuất nước ép cà rốt, công ty tách chất xơ ra khỏi nước cà rốt và sau đó chất xơ sẽ bị bỏ đi. Tuy nhiên, hiện nay chất xơ từ cà rốt đã được sử dụng trong các bánh nhân thịt và xúc xích, đồng thời công ty đang phát triển các sản phẩm có giá trị cao hơn để bán cho thị trường thực phẩm bổ sung.
Về thực phẩm bổ sung, các công ty dược phẩm địa phương ở Australia như Swisse hiện đang nhập khẩu nhiều nguyên liệu, trong đó có quả nho. Ông Justin Howden thuộc công ty Swisse cho biết trái cây và rau quả trồng tại Australia rất có khả năng thay thế một số mặt hàng nhập khẩu và công ty của ông sẽ đi tiên phong trong việc tạo các dược phẩm mới từ rau quả.
Có thể thấy một ngành công nghiệp mới đang được hình thành cho người nông dân trồng rau ở Australia, góp phần giải quyết được tình trạng bỏ phí rau quả như hiện nay.