Australia: Phát hiện đột phá mang đến hy vọng chữa khỏi bệnh sốt rét

Các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Y học QIMR Berghofer (Australia) vừa phát triển thành công một loại protein có khả năng chữa khỏi hoàn toàn bệnh sốt rét trên chuột cũng như bảo vệ chúng khỏi bị nhiễm lại căn bệnh.

Phát hiện đột phá này có thể dẫn tới một cách điều trị mới và hiệu quả hơn cho căn bệnh chết người này trong tương lai.

Kết quả nghiên cứu kể trên của các nhà khoa học Australia đã được đăng vào sáng nay (17/8) trên tạp chí uy tín Immunity.

Bệnh sốt rét do ký sinh trùng gây ra, và lây truyền cho con người qua vật trung gian là muỗi Anopheles. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính trong năm 2015, đã có 438.000 người thiệt mạng do căn bệnh này. Hầu hết những người tử vong là trẻ em và trẻ sơ sinh chưa chào đời. WHO ước tính rằng gần một nửa dân số thế giới có nguy cơ mắc bệnh sốt rét.

Bệnh sốt rét thường gây ra các triệu chứng giống như bệnh cúm, gồm sốt, ớn lạnh, đau cơ và đau khớp, đau đầu, buồn nôn. Bệnh có thể dẫn đến nhiễm trùng não gây chết người và hôn mê.


Bệnh sốt rét thường gây ra các triệu chứng giống như bệnh cúm, gồm sốt, ớn lạnh, đau cơ và đau khớp...

Trưởng phòng thí nghiệm Miễn dịch học Phân tử thuộc viện QIMR Berghofer, tiến sỹ Michelle Wykes và nhóm nghiên cứu của bà đã phát hiện ra một loại protein trên bề mặt một tế bào miễn dịch cụ thể đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc chiến chống bệnh sốt rét.

"Trong hệ miễn dịch, có những tế bào đuôi gai, hoạt động như những vị tướng chỉ huy đội quân miễn dịch, và các tế bào T, những chiến sỹ của đội quân. Các tế bào đuôi gai sẽ cho tế bào T biết khi nào cần tấn công bệnh nhiễm trùng và khi nào cần hạ vũ khí xuống", tiến sỹ Wykes cho biết.

"Trên bề mặt các tế bào đuôi gai có các loại protein mà chúng dùng để truyền mệnh lệnh cho các tế bào T".

"Từ lâu các nhà khoa học đã biết rằng một trong số các loại protein này có nhiệm vụ thông báo cho tế bào T biết khi nào nên dừng lại và ngừng tấn công. Tuy nhiên, trái với những gì trước đây đã biết, chúng tôi phát hiện ra rằng một loại protein khác, gọi là PD-L2, có thể làm mất hiệu lực của những mệnh lệnh này bằng cách ra lệnh cho tế bào T tiếp tục hoạt động và tấn công".

"Chúng tôi nhận thấy rằng khi con người và chuột bị nhiễm bệnh sốt rét nghiêm trọng, mức độ PD-L2 giảm xuống và vì thế tế bào T không còn được chỉ đạo phải tiếp tục tấn công ký sinh trùng nữa.

"Chúng tôi chưa biết vì sao ký sinh trùng sốt rét có thể chặn đứng sự sản sinh PD-L2. Nhưng khi đã biết về tầm quan trọng của loại protein này trong cuộc chiến chống sốt rét, chúng tôi đã phát triển một phiên bản tổng hợp của nó trong phòng thí nghiệm".

Các nhà nghiên cứu đã tiêm 3 liều loại protein này cho những con chuột bị nhiễm ký sinh trùng sốt rét chết người.

"Tất cả những con chuột này đã được chữa khỏi bệnh sốt rét", tiến sỹ Wykes cho biết.

"Khoảng 5 tháng sau đó, chúng tôi đã cho lũ chuột này tái nhiễm lại ký sinh trùng sốt rét, nhưng lần này chúng tôi không tiêm thêm protein tổng hợp cho chúng. Tất cả số chuột này đều được miễn dịch và không bị nhiễm bệnh".

Tiến sỹ Wykes cho biết kết quả nghiên cứu có thể trở thành cơ sở cho những cách thức điều trị bệnh sốt rét mới trong tương lai.

"Hiện có những loại thuốc có thể điều trị bệnh sốt rét, nhưng hiện tượng kháng thuốc ngày càng tăng đang trở thành một vấn đề lớn, nhất là ở những vùng thuộc Đông Nam Á. Các loại vắc xin đang được thử nghiệm nhìn chung chỉ tạo miễn dịch với một số loại ký sinh trùng sốt rét, và không có khả năng bảo vệ chúng ta về lâu dài. Điều này có nghĩa là chúng ta rất cần những phương pháp điều trị mới", tiến sỹ Wykes cho biết.

"Quan trọng là, nếu cách điều trị này thành công, nó sẽ được áp dụng để tiêu diệt mọi loại ký sinh trùng sốt rét".

"Đây sẽ là một phương pháp điều trị sốt rét hoàn toàn mới bằng cách kích thích hệ miễn dịch của chính người bệnh tiêu diệt ký sinh trùng".

"Nhánh nghiên cứu khoa học gọi là liệu pháp miễn dịch này đang cho thấy những kết quả hết sức tích cực trong điều trị một số bệnh ung thư, và chúng tôi hy vọng sẽ đạt được thành công tương tự trong điều trị bệnh sốt rét".


Tiến sỹ Michelle Wykes phát biểu trong cuộc gặp gỡ đoàn báo chí quốc tế.

Tại buổi gặp gỡ đoàn phóng viên quốc tế đến thăm các cơ sở khoa học do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia vào chiều 16/8, chỉ vài tiếng trước khi công bố phát hiện quan trọng này, tiến sỹ Michelle Wykes có một ví von thú vị trong bài thuyết trình về việc "mất tướng là thua trận", ám chỉ việc những tế bào đuôi gai bị vô hiệu hóa kể trên.

Bà đã trình chiếu những hình ảnh và giới thiệu các biểu đồ, cho thấy sau khi được tiêm những protein kể trên, các tế bào đuôi gai đã hoạt động trở lại và bảo vệ được những con chuột bị nhiễm bệnh sốt rét.

Tiến sỹ Wykes tỏ ra rất phấn khích trước thành công mới, và bày tỏ tin tưởng rằng phát hiện này sẽ có đóng góp cho nỗ lực loại bỏ căn bệnh sốt rét trên thế giới.

Nghiên cứu có sự tham gia của các nhà khoa học tới từ Viện Sinh học Phân tử và trường Hóa học và Sinh học Phân tử thuộc Đại học Queensland; Đại học Công nghệ Queensland; Viên Khoa học, Công nghệ và Nghiên cứu Singapore; và trường Y khoa Harvard của Hoa Kỳ.

Nghiên cứu được tài trợ bởi Hội đồng Sức khỏe và Nghiên cứu Y học Quốc gia Australia và Hội đồng nghiên cứu Australia.

Cập nhật: 17/08/2016 Theo Vietnam+
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video