Ba loài trăn ở Việt Nam đều nằm trong sách đỏ

Trong ba loài trăn ở Việt Nam thì trăn đất có kích thước và trọng lượng lớn nhất, sau đó đến trăn gấm và cuối cùng là trăn cộc.

Trăn đất Python molurus

Chúng có kích thước, trọng lượng lớn nhất trong các loài trăn được tìm thấy ở Việt Nam với kích thước trung bình 4-6m, một số cá thể dài khoảng 8m và nặng hơn 100kg.

Trăn đất đầu dài, nhỏ, màu nâu xám. Mặt trên đầu có hoa văn hình mũi mác di từ cổ, mũi nhọn hướng về phía đầu mõm. Ở đồng bằng Nam Bộ, chúng ưa sống ở những nơi đầm lầy, rừng tràm, rừng sú vẹt ngập nước, đôi khi còn xâm nhập cả vào những khu vực có vườn cây. Vào mùa đông ở miền Bắc, loài thường ở trong hang hốc và chủ yếu đi kiếm mồi vào ban đêm; còn vào mùa hè chúng thích ngâm mình trong nước.


Trăn đất có trọng lượng lên đến 100kg. (Ảnh: WIkipedia).

Thức ăn của loài chủ yếu là gặm nhấm, hươu nai, chim, ếch nhái và bò sát. Hiện số lượng loài suy giảm nghiêm trọng do mất nơi cư trú và bị săn bắn. Trăn đất nằm trong sách đỏ Việt Nam, thuộc nhóm động vật nghiêm cấm khai thác và sử dụng.

Trăn gấm Python reticulatus

Loài này dài 6-7m, đầu dài, nhỏ, màu vàng nhạt hoặc nâu. Trên thân và đuôi có các đường xám đen nối với nhau tạo thành dạng mắt dưới nổi trên nền màu vàng nâu. Những hoa văn độc đáo khiến người quan sát rất khó nhận biết khi chúng cuộn tròn trên lớp thảm mục thực vật quanh gốc cây lớn trong rừng thưa.


Trăn gấm Python reticulatus. (Ảnh: Nguyễn Thiên Tạo).

Trăn gấm có thể leo cây và cuốn mình vào những cành cây chìa ra trên mặt nước rồi chờ con mồi ngang qua để tấn công.

Trăn gấm sống ở rừng thưa, gần các sông suối. Chúng dành phần lớn thời gian trên cây. Loài này có khả năng bơi lội rất giỏi, chủ yếu hoạt động về đêm. Thức ăn của trăn gấm gồm các loài thú và chim, cầy hương, cầy mực, các loài linh trưởng. Tại Việt Nam, trăn gấm phân bố ở Đà Nẵng, Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Bình Định...

Trăn gấm cũng nằm trong sách đỏ Việt Nam, thuộc nhóm động vật nghiêm cấm khai thác và sử dụng.

Trăn cộc Python brongersmai

So với hai loài trên, trăn cộc có kích thước nhỏ nhất với chiều dài cơ thể 2m và cũng là loài hiếm nhất. Trăn cộc phân bố chủ yếu ở miền Nam Việt Nam. Cơ thể chúng có rất nhiều màu sắc như đen, đỏ thắm, trắng kèm hoa văn bắt mắt.


Trăn cộc rất hiếm ở Việt Nam. (Ảnh: VnCreatures).

Theo trang Sinh vật rừng Việt Nam, loài trăn này có đầu nhỏ, hình tam giác, thường ăn các loài thú và chim và nằm trong sách đỏ Việt Nam. Đầu của chúng màu vàng nhạt, có một vệt xám đen chạy từ mõm bao hết phần má, môi trên và dưới kéo dài ra tới cổ.

Trước đó trưa 10/12, người dân thôn Phú Cốc Tây, xã Quế Thọ (Hiệp Đức, Quảng Nam) bắt được con trăn gấm dài 5m, nặng hơn 30kg sau khi nuốt trọn bê con. Bà con nghi ngờ trăn là thủ phạm tấn công đàn bò và dê thời gian qua.

Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video