Theo tin mới nhận được, đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có một số trại chăn nuôi bắt đầu có hiện tượng gà chết hàng loạt.
Trưa ngày 10-11, chúng tôi đã có mặt tại xã Tân Hòa, huyện Tân Thành ghi nhận tình hình dịch bệnh diễn ra tại các trại chăn nuôi gà công nghiệp.
Lấy gà chết nuôi gà sống
Gà chết hàng loạt |
Bước vào ngõ trại chăn nuôi của ông đã ngửi thấy mùi hôi thối vì số gà chết tối hôm qua chưa kịp chôn đã bắt đầu phân hủy. Ông Châu cho biết, sáng nay ông đã đến Chi cục Thú y và Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh báo cáo tình hình gà bệnh, nhưng các cán bộ chức năng chỉ khuyên: “Bà con cố gắng khắc phục khó khăn, tiếp tục chăm sóc đàn gà và chờ quyết định của tỉnh”. Về nhà ông không biết làm gì ngoài việc vào chuồng gom số gà chết, đào hố chôn ngay trong vườn nhà mình!
Ông Nguyễn Minh Châu: Chủ trại chăn nuôi gà thôn Phước Thanh, xã Tân Hòa, Tân Thành: “Chúng tôi không thể chờ thêm được nữa” Bây giờ chúng tôi rất hoang mang. Cơ quan Thú y khuyên ngừơi chăn nuôi cứ giữ gà nuôi chờ chỉ đạo của tỉnh, nhưng đại dịch thì chưa biết bao giờ mới chấm dứt mà gà thì đã quá lứa xuất chuồng. Nuôi nữa lấy tiền đâu mua cám cho chúng ăn. Bây giờ ngày nào gà cũng chết thế này, chúng tôi cũng không dám nuôi nữa. Vì vậy, chúng tôi mong muốn Nhà nước có chỉ đạo dứt điểm, cho phép tiêu hủy đàn gà và hỗ trợ cho chúng tôi một phần chi phí để giải quyết nợ nần. Đó là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe cho gia đình chúng tôi và cho cộng đồng dân cư. |
Cách đó gần 1km, trại ông Vũ Quốc Hùng nuôi 17.000 con gà cũng đang xảy ra tình trạng chết hàng loạt. Điều làm cho chúng tôi ngạc nhiên nhất là ông Hùng không đem chôn gà chết mà gom lại nấu chín vãi ra cho đàn gà sống ăn.
Ông Hùng nói: “làm vậy để đỡ tốn thức ăn cho gà (!)”, ông cũng cho biết gia đình đã báo cho cán bộ thú y huyện và xin tiêu hủy đàn gà nhưng họ trả lời: “Chưa có chủ trương của Nhà nước, nếu gia đình tiêu hủy đàn gà thì phải tự chịu trách nhiệm”. Ngoài ra, cơ quan thú y cũng không có khuyến cáo gì thêm cho ông trong tình hình hiện nay!
Hiện nay, ở ấp Phước Thành có 6 trang trại chăn nuôi lớn với tổng số 70.000 con gà phần lớn đã quá ngày, nhưng không tiêu thụ được. Hầu hết các trại đều đã có hiện tượng gà chết khiến chủ trại rất hoang mang.
Cơ quan chức năng thờ ơ!?
Trước tình hình không tiêu thụ được gia cầm và gia cầm chết hàng loạt, người chăn nuôi đang rơi vào tình cảnh “dở khóc, dở cười”. Với đàn gà 5.500 con, mỗi ngày ông Châu phải chi gần 3 triệu đồng tiền thức ăn. Nếu số gà này bị tiêu hủy thì gia đình sẽ thiệt hại khoảng 160 triệu đồng. Bây giờ không bán được gà, mà mỗi ngày vẫn cứ phải đổ tiền ra mua thức ăn. Mấy ngày nay, vốn dự trữ đã hết, ông giảm lượng thức ăn và thả gà ra cho chúng chạy rông. Hiện tại, ông Châu còn nợ ngân hàng 18 triệu đồng và vay bên ngoài 35 triệu đồng.
Tình cảnh của ông Vũ Quốc Hùng còn bi đát hơn. Với 17.000 con gà mỗi ngày ông phải tốn gần 10 triệu đồng tiền thức ăn. 90 ngày chắt chiu chăm sóc đàn gà, tưởng đã có thể gỡ lại số tiền thua lỗ của đợt dịch năm ngoái, đâu ngờ lại trở thành con nợ khổng lồ. Lứa gà này đã ngốn mất gần 700 triệu đồng tiền cám, ông Hùng phải “cắm” 2 sổ đỏ cho Công ty TNHH Uni - President Vietnam và còn ký sổ của các đại lý cám trên địa bàn gần 300 triệu đồng.
Điều đáng lo ngại nhất là hiện nay các chủ trại gà và người chăn nuôi vẫn còn “sống chung” với gà. Nhất là những người trực tiếp chăn nuôi, không có bất kỳ phương tiện bảo hộ nào khi chăm sóc gà kể cả lúc thu gom gà chết. Nhiều người còn mắc võng ngủ ngay trên trại gà. Người nhà thì vẫn vô tư ra vào trang trại như không có điều gì xảy ra. Các trại chăn nuôi thì phần lớn nằm xen trong khu dân cư.
Gà sống an thịt gà chết |
Ông Mai Xuân Phụng, trưởng thôn Phước Thành nói: “Vì lo cho sức khỏe của người chăn nuôi và bà con xung quanh, mấy ngày nay thiếu điều tôi muốn la làng, tôi chỉ còn biết động viên, an ủi các chủ trại và khuyên họ chôn lấp gà chết cẩn thận để bảo vệ sức khỏe cho mình và cho cộng đồng”.
Tình trạng này không chỉ xảy ra ở xã Tân Hòa, hiện nay có nhiều nguồn tin cho biết, ở TP Vũng Tàu cũng đã xảy ra hiện tượng gà chết ở một số trang trại. Nhưng hiện nay, cơ quan chức năng địa phương vẫn tỏ ra thờ ơ, chưa tiến hành xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm để xác định nguyên nhân. Và tất nhiên cũng chưa có chỉ đạo xử lý như thế nào đối với các trại có gà chết. Người chăn nuôi rất hoang mang, không biết làm thế nào, bán gà không ai mua, để nuôi thì tốn kém lại chứa đựng nhiều nguy cơ lây lan sang người nếu đây là dịch cúm gia cầm.
Ông Trần Tiến Hăng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hòa, huyện Tân Thành: “Địa phương mong muốn cấp trên sớm có giải pháp xử lý tình trạng gà chết" Xã Tân Hòa hiện có 9 trại chăn nuôi gà với qui mô lớn, đến thời điểm này còn 6 trại có gà chưa xuất chuồng, phần lớn các chủ trại là nông dân đời sống còn khó khăn. Do ảnh hưởng dịch cúm gà của những năm trước, nhiều hộ còn nợ tiền thức ăn ở các công ty. Trước tình hình gà chết hàng loạt như hiện nay, chúng tôi mong UBND tỉnh và ngành Nông nghiệp & Phát triển nông thôn khẩn trương xem xét và sớm có quyết định xử lý. Việc này tiến hành càng sớm càng tốt nhằm giải tỏa mối lo ngại cho người dân và bảo đảm vấn đề vệ sinh môi trường, ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Chúng tôi cũng mong muốn Nhà nước có biện pháp giúp đỡ về mặt tài chính cho người chăn nuôi có gia cầm bị bệnh. |