Bắc Bộ sẽ có mưa to do bão

Chiều 21/7 bão Chanthu mạnh cấp 11, tăng 2 cấp so với hôm qua và chỉ cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) 230 km. Cơn bão tuy hướng vào Trung Quốc, nhưng vẫn có thể gây mưa lớn, lũ quét ở miền núi phía Bắc Việt Nam.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, trong 24 giờ tới, bão chủ yếu theo hướng tây bắc và đổ bộ vào bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Hai ngày tiếp theo, với tốc độ 10-15 km mỗi giờ, di chuyển hướng giữa tây tây bắc - tây bắc, bão sẽ đi dọc vùng biên giới Việt - Trung và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 16h ngày 23/7, tâm áp thấp nhiệt đới cách biên giới tỉnh Cao Bằng khoảng 90 km về phía đông, cường độ cấp 6-7.

Từ đêm 21/7, vùng biển phía bắc vịnh Bắc Bộ gió mạnh dần từ cấp 6 lên 10, giật cấp 12. Đêm 22/7, ở Bắc Bộ có mưa, riêng vùng núi phía Bắc và khu Đông Bắc có mưa to. Trung tâm khí tượng cảnh báo các địa phương thuộc các khu vực này cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập úng ở vùng trũng.

Đường đi của bão Chanthu trong 24h qua trái với dự báo của các đài khí tượng Việt Nam cũng như thế giới. Đêm qua và sáng nay, thay vì dịch chuyển theo hướng tây bắc như dự báo, bão chủ yếu đi về hướng tây, thu hẹp khoảng cách với đảo Hải Nam (Trung Quốc). Đến trưa nay, bão lại đổi hướng, đi lên phía Bắc và nhắm vào bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). 

Bão Chanthu được dự báo đổ bộ vào chiều 22/7 và có khả năng gây mưa lớn ở các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta. Ảnh: NCHMF.


Trong khi đó, theo thống kê đến chiều tối 21/7, khu vực quần đảo Hoàng Sa vẫn còn 2 tàu cùng 27 ngư dân bị mất liên lạc từ hai hôm trước. Ngoài ra, khu vực gần bờ Quảng Ninh còn 1.270 tàu và 3.720 ngư dân đang hoạt động đánh bắt. Hiện địa phương mới thông báo được cho hơn 2.700 ngư dân.

Rút kinh nghiệm từ bão Conson (làm 17 ngư dân đến nay vẫn còn mất tích), trong cuộc họp chiều 21/7, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Ban chỉ đạo cùng các ban, ngành liên quan cần xem xét lại cơ chế xử lý ngoài hình thức tuyên truyền, vận động ngư dân tránh trú bão. Ông nhấn mạnh, bão Conson dù đã được thông báo trước 3 ngày, nhưng vẫn còn tàu thuyền và ngư dân không vào tránh trú bão, gây nguy hiểm đến tính mạng, gây khó khăn, thiệt hại cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.

"Cần xem xét lại chế tài để có phương án xử lý đối với những chủ tàu, ngư dân không nghe theo báo hiệu, kêu gọi của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các tỉnh, thành", Phó thủ tướng nói.

Đối với bão Chanthu sắp đổ bộ, Phó thủ tướng lưu ý các địa phương, bộ, ngành không được chủ quan bởi mưa do ảnh hưởng hoàn lưu của bão thường rất lớn. Các tỉnh miền núi phía Bắc cần lên phương án đối phó với lũ quét và sạt lở đất. Các tỉnh ven biển tiếp tục kêu gọi tàu thuyền về nơi neo đậu, kiên quyết xử lý, cưỡng chế những trường hợp chống đối.

Về công tác dự báo, ông Hoàng Trung Hải lưu ý cần chính xác hơn nữa bởi nhiều lần dự báo thiếu chính xác sẽ khiến người dân mất lòng tin. "Trong hoàn cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, thiên tai ngày càng khó lường, nếu chúng ta không làm tốt công tác dự báo, công tác chỉ đạo, đối phó thiên tai sẽ rất bị động", ông Hải nhấn mạnh. Do vậy, Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần làm hết sức mình, bằng mọi cách thức, sáng kiến để hạn chế tối đa thiệt hại về người và của.

Trong ngày 21/7, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương đều đã có công điện yêu cầu các tỉnh thành ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi tiếp tục rà soát, nắm chắc số tàu thuyền đang hoạt động trên biển, thông báo kịp thời cho chủ phương tiện, tàu thuyền biết thông tin bão để phòng tránh.

Đối với các tỉnh miền núi phía Bắc gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, đề phòng mưa lũ gây chia cắt; chủ động di dời dân ở khu vực có nguy cơ lũ quét và sạt lở đất.

Hình thành hôm 18/7 ở phía đông của Philippines, áp thấp nhiệt đới nhanh chóng trở thành bão, mang tên Chanthu khi tiến vào biển Đông. Chỉ trong 3 ngày, bão đã tăng 3 cấp và đổi hướng nhiều lần. Đây là cơn bão thứ hai vào biển Đông cũng là cơn thứ hai ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương. Trước đó bão Conson đã làm một người chết và 17 ngư dân mất tích.

Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video