Hơn 540 triệu năm trước, trái đất xuất hiện bước nhảy vọt tiến hóa bí ẩn mà các nhà khoa học gọi là "vụ nổ Cambrian". Trái đất với những sinh vật thô sơ đột nhiên bước vào giai đoạn đa dạng sinh học kỳ lạ, các nhóm động vật chính được biết đến ngày nay chủ yếu ra đời từ sự kiện đó.
Bạch tuộc được ra đời nhờ một sao chổi đem vật liệu sinh học xuống trái đất? - (ảnh: THE AUSTRALIAN).
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Progress in Biophysics and Molecular Biology, do 33 nhà khoa học danh tiếng đến từ nhiều viện trường khắp thế giới đã lý giải điều đó bằng lý thuyết panspermia. Tức các vật liệu sinh học ngoài vũ trụ đã được đưa đến trái đất thông qua các thiên thể, ví dụ như sao chổi, bổ sung vào hệ sinh vật hiện hữu và thông qua các cuộc hôn phối liên hành tinh tạo ra thế giới động vật đa dạng.
Bạch tuộc được các nhà khoa học xem như bằng chứng thuyết phục nhất về điều này. Chúng xuất hiện rất đột ngột trong cây gia phả, theo như các bằng chứng khảo cổ. Dù cùng thuộc ngành thân mềm, lớp động vật chân đầu như mực nhưng chúng có những đặc tính sinh học và trí thông minh ưu việt hơn nhiều lần so với họ hàng.
Ngoài bạch tuộc, các động vật thân mềm khác trên trái đất thuộc nhóm có trí thông minh kém phát triển, thua xa các loài động vật có vú, chim, thậm chí là bò sát.
Các nhà khoa học tin rằng một loài thân mềm cổ đại đã kết hợp với vi sinh vật bí ẩn ngoài trái đất và cho ra đời giống bạch tuộc với trí tuệ và những đặc tính sinh học siêu việt - (ảnh: SCIENCE DIRECT).
Các khoa học gia phát hiện các gene quy định những đặc tính sinh học vượt trội của bạch tuộc không thể tìm thấy trong bất kỳ sinh vật họ hàng nào khác. Chúng như được "vay mượn từ một tương lai xa xôi", thuộc về một bước tiến hóa cao cấp hơn nhiều.
Các bước nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những vật liệu sinh học đầu tiên đã được các thiên thạch đưa đến trái đất từ khoảng 4,1 tỉ năm trước. Từ đó đến nay, đã có nhiều "chuyến tàu sao chổi" khác giúp sự sống giao thoa và tiến hóa.
Theo lý thuyết này, toàn bộ quần thể các hành tinh có đủ điều kiện cho sự sống trong thiên hà Milky Way của chúng ta tạo thành một sinh quyển duy nhất. Điều này còn có thể đúng với các thiên hà khác. Vì vậy, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng một ngày nào đó sẽ bắt gặp một "trái đất thứ hai" đâu đó ngoài vũ trụ.