“Hoạ vô đơn chí”. Câu nói người xưa đang vận vào đất nước Mặt Trời Mọc. Nhật bản đã từng là nạn nhân của công nghệ hạt nhân – bom nguyên tử 65 năm trước, và giờ đây lại đang chịu đựng một tai hoạ mới cũng về công nghệ hạt nhân - nhà máy điện nguyên tử.
Những tưởng trận siêu động đất ngày thứ sáu, 11/3/2011, tàn phá đất nước này chỉ dừng ở nhưng hao hại thông thường về người và của như những quốc gia tương tự gần đây; Haiti, Indonesia, New Zealand… Động đất ở nước Nhật còn gây ra hệ luỵ khôn lường khác.
Toàn bộ 5 lò phản ứng (2 ở nhà máy Fukushima số 1 và 3 ở nhà máy Fukushima số 2 trong vùng xảy ra động đất mạnh nhất) đều ngừng hoạt động sau trận siêu động đất ngày thứ sáu đen tối. Nguy cơ tai hại, rò rỉ phóng xạ, đang làm nhiều triệu con người lo lắng, không chỉ ở Nhật bản mà cả các nước khác.
Cũng vì cái máy làm mát!
Cơn động đất đã để lại những hậu quả khôn lường đối với Nhật Bản.
Dĩ nhiên, những sự cố nguy hại liên tiếp xảy ra với các nhà máy điện hạt nhân Nhật bản trong những ngày gần đây chính là do thiên tai, một trận siêu động đất kinh khủng trên một trăm năm mới lại xảy ra ở nước này.
Nhưng trực tiếp dẫn đến sự cố rò rỉ “chết người” này lại là những cái không lớn, những hệ làm mát!
Quả vậy, trong vùng động đất có 4 nhà máy điện hạt nhân, mỗi nhà máy bao gồm một số lò phản ứng. Động đất xảy ra, các lò phản ứng này lập tức tự ngừng hoạt động nhờ các thanh điều khiển tự động rơi xuống cắm sâu vào khối nhiên liệu hạt nhân và làm tắt phản ứng phân hạch hạt nhân.
Với các lò nước nhẹ của Nhật, nguy cơ nổ hạt nhân được loại trừ. Nhưng nguy cơ phát tán và làm ô nhiễm phóng xạ môi trường vẫn còn. Vì hai lẽ:
Một là, sau một thời gian hoạt động của nhà máy, trong thanh nhiên liệu đã tích luỹ một lượng rất lớn đồng vị phóng xạ; là sản phẩm phân hạch của các nhiên liệu hạt nhân Urani, Plutoni.
Hai là, các đồng vị phóng xạ này phát ra một lượng đáng sợ các tia bức xạ anpha, beta, gamma…, ngoài ra chính các tia này làm nóng khối nhiên liệu, dù lò đã ngưng hoạt động. Sức nóng này tăng lên rất nhanh, đến một nhiệt độ rất cao. Áp suất không khí và hơi nước trong lò cũng tăng theo. Ngăn chặn hiện tượng nguy hiểm này chỉ nhờ các hệ làm mát. Khi lò ngưng, chúng được duy trì hoat động nhờ các máy phát điện dự phòng diesel.
Đặc biệt, nếu hệ thống làm nguội bị tê liệt, trong lò phản ứng có thể xảy ra cháy, nổ. Và nếu các “hàng rào” bảo vệ, đặc biệt nhà vòm kim loại ngoài cùng bao che lò phản ứng, bị phá vỡ, chất phóng xạ sẽ rò rỉ phát tán ra ngoài, gây nguy hiểm môi trường.
Đáng tiếc, khả năng xấu đó đã xẩy ra. Hệ làm nguội của hai lò phản ứng ở hai nhà máy điện hạt nhân lân cận nhau Fukushima 1 và Fukushima 2 đều bị tê liệt do trận siêu động đất 8,9 richter ngày thứ sáu và các dư chấn kèm theo làm động cơ điện diesel dự phòng vận hành hệ thống làm nguội hư hỏng.
Để giảm nguy cơ nổ phá hỏng nhà chứa lò, những người có trách nhiệm đã dùng đến biện pháp bất đắc dĩ là xì hơi ra bên ngoài. Tuy nhiên, việc này lại kéo theo khả năng rò rĩ chất phóng xạ ra môi trường. Trước nguy cơ đó, chính phủ Nhật đã phải tuyên bố Báo động quốc gia về Hạt nhân đối với nhà máy Fukushima 1 và Fukushima 2.
Và thực sự trong nhà máy Fukushima 1, liều chiếu xạ tại lò phản ứng đã tăng lên gấp 1.000 lần bình thường. Ở bên ngoài, một địa điểm gần cổng chính của nhà máy, đã tăng cao gấp hơn 8 lần so với bình thường.
Ở nhà máy Fukushima 2 cũng xảy ra tương tự, sự hư hỏng hệ thống dự phòng đã đưa nhiệt độ nước làm nguội lên đỉnh 100 độ Celsius. Người phát ngôn của Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) nói rằng, áp suất trong các lò vẫn ổn định, nhưng tăng lên trong các lớp bao che bên ngoài.
Rõ ràng tai hoạ ngày càng tăng lên đối với cả hai lò phản ứng.
Một bài học lớn
Một lò phản ứng thuộc nhà máy điện hạt nhất Fukushima số 1 của Nhật phát nổ hôm 12/3.
Và một tai hoạ không tránh được đã xảy chiều thứ bảy 12/3/2011, 15 giờ 36 (giờ địa phương). Một vụ nổ ở nhà máy điện nguyên tử Fukushima số 1 với lò phản ứng số 1 nằm cách thủ đô Tokyo 250 km, cách nhà máy Fukushima số 2 khoảng 8 km. Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 là một trong số các nhà máy điện hạt nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ trận động đất xảy ra một ngày trước đó.
Sau tiếng nổ là những dư chấn lớn và các cột khói trắng bốc lên từ nhà máy. Vụ nổ xảy ra trong bối cảnh Cơ quan An toàn hạt nhân Nhật Bản vừa ra lệnh cho nhà máy này xả bớt khí (có chứa phóng xạ) để bảo vệ lò phản ứng. Vụ nổ đã thổi bật mái nhà và tường của tòa nhà có lò phản ứng số 1.
Nhưng cơ quan an toàn hạt nhân Nhật Bản cho rằng, không có hư hại nghiêm trọng nào đối với khoang chứa lò phản ứng số 1, sau khi kiểm tra dữ liệu phóng xạ rò rỉ. Công ty TEPCO cho biết, 4 công nhân đang sửa chữa tại lò phản ứng đã bị thương, nhưng họ vẫn tỉnh táo và vết thương không đến mức nguy hiểm tính mạng. Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yukio Edano kêu gọi người dân bình tĩnh và cho hay, mức phóng xạ vẫn đang được kiểm soát thận trọng.
Dù vậy, như tờ Daily Mail của Anh nhận định, nước Nhật đang đối mặt với nguy cơ phát tán phóng xạ. Và người phát ngôn cấp cao của chính phủ đã yêu cầu hàng chục ngàn người trong vòng bán kính 20km quanh nhà máy phải đi sơ tán.
Tin mới nhất cho biết, hàng chục người, thậm chí cả trăm người làm việc trong nhà máy đã chịu liều chiếu xạ cao. Thay thế cho các máy điện dự phòng của hệ làm mát bị phá hỏng, các nỗ lực làm mát lõi lò phản ứng đang tiến hành, bằng cách bơm và xả liên tục nước biển, nhằm ngăn chặn sự tan chảy các thanh hiên liệu của lò phản ứng.
Vụ nổ ở Fukushima vừa xảy ra gợi nhớ lại trong tâm khảm mọi người vụ nổ hạt nhân lớn nhất lịch sử ở Chernobyl trước đây. Nước Nhật đang dốc sức ngăn chặn để một Fukushima không trở thành một Chernobyl. Trên thế giới, ai ai cũng hy vọng rằng, hậu quả gây ra bây giờ không đến mức nghiêm trọng như đã xẩy ra một phần tư thế kỷ trước đây. Trong bất cứ viễn cảnh nào, tai hoạ Fukushima vẫn là bài học lớn, nhớ đời của Nhật bản, của mọi quốc gia đang trên con đường phát triển điện hạt nhân.