Bãi rác nổi Captain Charles Moore tại khu vực Thái Bình Dương này được cho là rộng tương đương lục địa Hoa Kỳ với sức chứa cả 100.000 tấn rác thải theo các dòng chảy đại dương từ hai hướng đông, tây dồn lại.
90% lượng rác ở đây là chất thải dẻo, trong đó 20% là rác thải từ các tàu, thuyền và giàn khoan dầu ngoài khơi, số còn lại đến từ đất liền.
Do nhẹ hơn nước nên các loại chất thải dẻo dễ trôi nổi trên mặt biển. Khi gặp nhau, chúng tạo thành những bãi rác nổi lớn dần từ năm này qua năm khác.
Một phần bãi rác nổi Captain Charles Moore tại Thái Bình Dương. (Ảnh: The Island Guardian)
Các mảnh vỡ bằng chất dẻo còn có thể bị sóng đánh dạt vào bãi biển. Thực tế đã ghi nhận nhiều trường hợp động vật biển, nhất là chim biển, ăn nhầm mảnh vỡ và nhanh chóng tử vong.
Ngoài những đống rác nổi, có tới khoảng 70% chất thải dẻo bị chìm xuống đáy biển. Lượng rác ấy cũng gây ra nhiều nguy cơ đối với đời sống sinh vật dưới lòng đại dương.
Vốn có đặc tính giống bọt biển nên chất dẻo thường được dùng để thấm sạch dầu. Tuy nhiên, cũng vì thế mà khi rơi xuống biển, chất thải dẻo dễ bị ngấm độc tố từ các dẫn xuất dầu và có khả năng truyền vào cơ thể sinh vật qua chuỗi thức ăn, gây hại cho hệ động, thực vật biển.
Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (UNEP) ước tính đã có hơn 1 triệu chim biển và 100.000 động vật biển có vú bị chết theo cách này.
Ông Marcus Eriksen thuộc Quỹ Nghiên cứu Biển Algalita (có trụ sở tại Mỹ) cũng từng nhấn mạnh mối đe dọa của các loại chất thải dẻo đối với đời sống con người. Ông lý giải: “Chất thải dẻo dễ dàng hút các hóa chất như hy-dro carbon hay thuốc trừ sâu DDT. Ban đầu nó đi vào hệ tiêu hóa của sinh vật, sau đó sẽ có mặt trong bữa ăn của chúng ta”.
Mặc dù nguy cơ cao nhưng do phạm vi ảnh hưởng rộng nên đến nay, người ta vẫn chưa có giải pháp nào thực sự hiệu quả để ngăn chặn mối đe dọa từ các bãi rác nổi giống như Captain Charles Moore ngoài việc thực hiện các chiến dịch làm sạch bờ biển và ngăn rác đổ ra từ đất liền.