Đãi vàng hay trích xuất quặng đồng có thể giúp bạn kiếm một gia tài trong quá khứ. Nhưng một nghiên cứu mới đây lại cho thấy rằng, thu thập kim loại từ các thiết bị điện tử đã bỏ đi - còn được biết đến như là "khai mỏ thành thị" - ít tốn kém hơn nhiều so với thu thập chúng theo các phương thức cổ điển.
Thu thập kim loại từ các thiết bị điện tử đã bỏ đi còn nhiều hơn cách ta thu thập từ phương thức cổ điển.
Nếu bạn đang đọc bài viết này, tức bạn đang là một phần trong một vấn đề lớn đối với hành tinh của chúng ta: rác thải điện tử. Chiếc smartphone của bạn sau một thời gian sử dụng sẽ chậm dần, hoặc bạn không thể cưỡng lại sự ngọt ngào của những quảng cáo smartphone đầy mê hoặc và quyết định đã đến lúc nâng cấp. Bạn có lẽ sẽ quên mọi phút giây đã từng trải qua với thiết bị cũ trước đây ngay khi được trên tay một thiết bị mới sáng loáng. Nhưng hành tinh của chúng ta lại không dễ quên như vậy.
Theo Futurism, chỉ tính riêng năm 2016, cả thế giới đã vứt bỏ 44,7 triệu tấn thiết bị điện tử không còn khả năng sử dụng hoặc đơn giản là không còn được cần đến nữa. Số điện thoại, laptop, lò vi sóng và TV này gộp lại có thể tạo thành một toà tháp lớn gấp 4.500 lần tháp Eiffel, nhưng lại chỉ có 20% trong số đó được tái chế đúng cách. Số còn lại bị đốt bỏ, thải chất ô nhiễm vào bầu khí quyển, hoặc bị chôn vùi xuống đất ở một nơi xa nào đó và rò rỉ các hoá chất độc hại vào lòng đất và nguồn nước.
Một bãi rác thải điện tử tại Trung Quốc.
Có thể thấy, việc đơn thuần vứt bỏ các thiết bị điện tử là một hành vi gây hại cho môi trường, nhưng sự thật này lại chưa rõ ràng đủ để mọi người cùng nhau dừng lại. Một sự thật khác, trớ trêu thay, lại có thể thay đổi hành vi này, là việc những bãi rác thải điện tử kia có thể là một mỏ vàng nếu biết cách khai thác.
Tất nhiên, chúng ta đều biết các thiết bị điện tử có chứa nhiều kim loại có giá trị, bên cạnh các vật liệu kính và nhựa. Một chiếc smartphone có thể không chứa nhiều kim loại quý, nhưng người tiêu dùng mua đến 1,7 tỷ thiết bị mỗi năm, và chỉ cần 1 triệu trong số đó cũng sẽ giúp bạn kiếm được gần 35kg vàng, 15.6 tấn đồng, và 350kg bạc.
Nghe có vẻ "hời", nhưng từ trước tới nay, chưa ai chắc chắn về tính kinh tế của việc đào xới rác thải điện tử như vậy. Nhằm làm rõ vấn đề này, bộ ba nhà nghiên cứu từ Đại học Tsinghua (Bắc Kinh) và Đại học Macquarie (Sydney) đã tiến hành một cuộc nghiên cứu và công bố kết quả trên tạp chí Công nghệ và Khoa học môi trường.
Có bao nhiêu vàng trong các thiết bị điện tử?
Đầu tiên, họ đã thu thập dữ liệu từ 8 công ty tái chế tại Trung Quốc. Họ tiếp tục tính toán mọi chi phí liên quan đến việc khai thác vàng và đồng từ rác thải, bao gồm các bước từ thu thập rác thải điện tử đến chi phí phải trả cho các thiết bị và công trình cần thiết để tái chế chúng.
Sau khi thu được đủ số liệu như trên, họ tính đến các khoản trợ giá của chính phủ và số tiền mà các công ty có thể kiếm được từ việc bán nhiều loại linh kiện khác nhau. Cuối cùng, các nhà nghiên cứu so sánh tổng chi phí của việc "khai mỏ thành thị" với việc khai thác quặng truyền thống, và rút ra kết luận rằng việc khai thác quặng truyền thống có chi phí cao hơn đến 13 lần!
Tất nhiên, không phải quốc gia nào cũng được chính phủ trợ giá như Trung Quốc, và chi phí tái chế rác thải điện tử cũng không giống nhau. Tuy nhiên, Trung Quốc là nơi tạo ra lượng rác thải điện tử lớn nhất thế giới, do đó nếu các công ty ở quốc gia này nhận ra rằng họ có thể thu lợi từ việc khai thác kim loại từ rác thải thì chắc chắn sẽ tạo nên những sự tác động không hề nhỏ.
Có thể sẽ có thêm nhiều công ty từ Trung Quốc tham gia thị trường "khai mỏ thành thị" trong tương lai. Và có lẽ nhiều công ty ở các quốc gia khác cũng sẽ bắt đầu tham gia lĩnh vực này. Hoặc có lẽ, bạn nên nghĩ thật kỹ về việc mình nên làm với những chiếc smartphone cũ một khi đã sắm được một thiết bị mới!