Mới đây, Trung Quốc đã ban bố "Biện pháp quản lý khống chế ô nhiễm từ các sản phẩm điện tử". Theo đó, các sản phẩm điện tử sản xuất sau ngày 1/3 buộc phải dán nhãn chỉ rõ có hay không độc chất trong sản phẩm...
Biện pháp này yêu cầu, các sản phẩm điện tử sản xuất sau ngày 1/3, nếu trong sản phẩm không có chất độc hại thì dán ký hiệu “e” màu xanh lá cây; nếu sản phẩm có chất độc hại thì phải dán ký hiệu cảnh báo màu vàng cam trên sản phẩm, đồng thời ghi chú tên gọi, hàm lượng của nguyên tố có độc đó, thời hạn sử dụng và thời điểm bắt buộc huỷ bỏ sản phẩm.
Hiện nay, Trung Quốc mới chỉ yêu cầu các doanh nghiệp "thể hiện rõ" 6 loại chất độc hại trong các sản phẩm điện tử, chứ chưa có quy định kiểm tra, xử phạt cụ thể.
|
Rác thải điện tử ở Trung Quốc
(Ảnh minh hoạ: BAN, VNN)
|
Việc ra đời "
Biện pháp quản lý..." đã đánh dấu giai đoạn quản lý mới đối với việc khống chế ô nhiễm từ các sản phẩm điện tử của Trung Quốc, rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường từ sản phẩm điện tử.
Sản phẩm điện tử được định nghĩa bao gồm những sản phẩm được chế tạo bằng kỹ thuật thông tin điện tử, máy vi tính, sản phẩm điện tử gia dụng như điện thoại di động, MP3, máy vi tính, máy in, pin...
Trung Quốc hiện đã trở thành nước có thị trường tiêu thụ đồ điện tử lớn thứ hai trên thế giới sau Mỹ, và cũng là nơi chế tạo sản xuất đồ điện tử tiêu dùng lớn nhất thế giới. Chỉ lấy ví dụ về điện thoại di động, theo số liệu của Công ty tư vấn NuoCheng, năm 2006, thị trường điện thoại di động của Trung Quốc đột phá với số lượng 100 triệu chiếc, chiếm 1/10 lượng tiêu thụ trên toàn cầu.
Thế nhưng
đi kèm với sự bùng nổ trong ngành thông tin điện tử của Trung Quốc là những ẩn hoạ rất lớn về vấn đề môi trường.
Các chuyên gia đã cho biết, trong số sản phẩm điện tử thông thường, có một lượng lớn kim loại độc hại như chì, thuỷ ngân, crôm 6.... Một chiếc máy vi tính bình thường có thể có tới hơn 300 loại chất hoá học có hại cho cơ thể, trong đó, chì là chất hoá học gây ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Hàm lượng chì bình quân trong màn hình máy tính khoảng hơn 1kg, trên PBC hoặc mối hàn nối của các linh kiện và CPU...cũng có rất nhiều chì.
Những kim loại nặng này nếu không được xử lý thoả đáng sẽ không những gây ô nhiễm nghiêm trọng cho đất đai và khí quyển, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của trẻ em.
Trong suốt một thời gian dài, Trung Quốc chưa hề có pháp lệnh đối với chất độc hại trong các sản phẩm điện tử. Các sản phẩm điện tử nhập khẩu, tiêu thụ trong nước không hề bị ràng buộc bởi các quy định về hàm lượng chất độc hại.
Mãi cho tới tháng 3/2007, các cơ quan liên quan như Bộ thông tin, Cục bảo vệ môi trường... mới chính thức thực thi
"Biện pháp quản lý..." này.
"Biện pháp quản lý" ra đời được coi như Chỉ thị ROSH của EU, vì đó cũng chính là áp lực đối với các doanh nghiệp Trung Quốc. Năm 2005, EU ban bố "Chỉ thị về các loại chất độc hại cấm sử dụng trong các thiết bị điện khí điện tử" (Gọi tắt là chỉ thị ROSH) và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2006.
Bản Chỉ thị nói trên quy định trong số các thiết bị điện khí, điện tử nhập khẩu vào EU phải hạn chế sử dụng các chất độc hại như chì, thuỷ ngân, Ca-đi-mi (Cd), Crôm VI, PBB, PBDE...
Sau khi chỉ thị ROSH có hiệu lực, một số sản phẩm điện tử trị giá 1 tỷ USD của thành phố Ninh Ba (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc) đã không thể xuất khẩu vì "
hàng rào phi thuế quan" này.
Theo quan điểm của các chuyên gia, sự ra đời của “
ROSH Trung Quốc” sẽ giúp cho các doanh nghiệp nâng cao thực lực cạnh tranh tổng thể, thúc đẩy các hoạt động tham gia cạnh tranh toàn cầu.
|
Xử lý rác thải điện tử ở Trung Quốc
(Ảnh minh hoạ: Greenchoice.cn, VNN)
|
Hai năm gần đây, một số doanh nghiệp tiên tiến của Trung Quốc khi xuất khẩu hàng điện tử sang các khu vực phát triển như EU đều bị hạn chế bởi các chỉ thị bảo vệ môi trường xanh của các nước đó, nên bắt buộc phải nâng giá thành và kỹ thuật.
Về mặt Nhà nước, để có thể nâng cao về tổng thể cho các doanh nghiệp điện tử, Chính phủ Trung Quốc bắt buộc phải đi theo bước các nước phát triển, giám sát quản lý, thúc đẩy các doanh nghiệp tăng cường bảo vệ môi trường.
Đối với các doanh nghiệp lớn có sản phẩm xuất khẩu thì tính năng bảo vệ môi trường của sản phẩm tương đối tốt, còn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các sản phẩm của họ như MP3, DVD...đều được sản xuất bằng các loại nguyên liệu rẻ tiền nhất và gần như chưa được xử lý đặc biệt, do đó hàm lượng chất độc hại khá cao.
Nếu thực hiện theo "Biện pháp quản lý" mới, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ phải cải tổ, toàn bộ ngành điện tử phải được "làm sạch" đến một mức độ nhất định. Còn người tiêu dùng cũng sẽ quan tâm hơn đến các sản phẩm xanh, mặc dù giá của sản phẩm sẽ tăng lên.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Trung quốc cho biết, xét từ góc độ công nghệ, việc sử dụng các chất thay thế để hạn chế chất độc hại trong sản phẩm điện tử sẽ làm tăng giá thành sản xuất, cộng thêm phí kiểm nghiệm sẽ đẩy giá thành tăng ít nhất 5%.
Cùng lúc với việc thực thi "Biện pháp quản lý", Trung Quốc sẽ tiếp tục từng bước hoàn thiện các quy trình giám sát tính năng bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng của các sản phẩm điện tử.
Tuyết Nhung