Bạn đang được ngắm nhìn bức ảnh đã đánh lừa cả thế giới suốt gần 1 thế kỷ

Thậm chí Sir Arthur Conan Doyle - tác giả của bộ truyện trinh thám lừng lẫy Sherlock Holmes cũng phải vào cuộc. Tuy nhiên, ranh giới giữa thực và ảo là quá mong manh.

Hồi nhỏ, ký ức của đa số chúng ta gắn liền với những nhân vật thần thoại. Đó là ông Bụt, bà tiên, là những tiên nữ có cánh tí hon trong các câu chuyện cổ tích. Để rồi khi lớn lên, chúng ta chợt nhận ra tất cả chỉ là sản phẩm đến từ trí tưởng tượng của con người.

Nhưng có thật là vậy không? 100 năm trước, tức vào năm 1917, cả thế giới đã phải sửng sốt vì một bức hình chứng minh tiên nữ là có thực. Chúng được gọi là chùm ảnh "tiên nữ Cottingley".

Những bức hình gây sốt năm 1917

Giữa năm 1917, cô bé Frances Griffiths (9 tuổi) cùng mẹ của mình chuyển đến Cottingley (Anh Quốc) từ châu Phi. Họ ở cùng nhà với gia đình Elsie Wright - chị họ của Frances, khi đó 16 tuổi.

2 cô bé thường xuyên chơi cùng nhau. Thế rồi một ngày, cả hai tuyên bố đã nhìn thấy tiên nữ bay lượn trong khu vườn sau nhà. Elsie sau đó mượn máy ảnh của bố, vốn là một nhiếp ảnh gia nghiệp dư, và rồi trở về cùng một bức ảnh "gây chấn động".


Bức hình cho thấy Frances nấp sau bụi, cùng 3 nàng tiên nữ đang bay lượn.

Thoạt tiên, Arthur (cha của Elsie) không tin vào bức hình này. Ông quá hiểu khả năng hội họa và nghệ thuật của con gái, nên mặc nhiên cho rằng chúng chỉ là bìa giấy. Sau đó 2 tháng, 2 cô bé mượn máy ảnh thêm một lần nữa, và để lại một bức ảnh Elsie ngồi cạnh một tinh linh (gnome) cao khoảng 30cm.

Ông Arthur vẫn không tin, thậm chí còn quyết định không cho 2 cô bé mượn máy ảnh nữa. Tuy vậy bà Polly - mẹ của Elsie thì khác. Bà tin rằng những bức ảnh này là thực.


Elsie ngồi cạnh một tinh linh (gnome) cao khoảng 30cm.

Đến giữa năm 1919, mẹ của Elsie quyết định công bố 2 bức hình tại một buổi diễn thuyết của hội Thần học ở Bradford. Sau đó, chúng được phổ biến rộng rãi đến toàn bộ thành viên trong hội, thậm chí còn gây được sự chú ý của chủ tịch hội là Edward Gardner.

Gardner nhanh chóng nhận ra tiềm năng của bức hình. Elsie và Frances, hai cô gái không những nhìn thấy tiên nữ, mà còn "hiện thực hóa" chúng qua những bức hình. Vốn là một người tin vào học thuyết con người đang tiếp tục tiến hóa để hoàn hảo hơn, ông cho rằng chu kỳ tiến hóa tiếp theo của con người đã đến.

Quá trình xác minh - lôi kéo cả Arthur Conan Doyle

Gardner sau đó gửi phim kèm ảnh chụp đến cho Harold Snelling - một chuyên gia về nhiếp ảnh. Snelling trả lại với kết quả: cả hai bức ảnh đều là hàng thật, không có dấu hiệu cắt ghép... Tuy nhiên, ông tránh đưa ra quan điểm về hình ảnh tiên nữ, chỉ đáp vỏn vẹn rằng: "Đây là một bức ảnh thật, dù ở trước ống kính có là thứ gì".

Những thông tin này đã thu hút cả Sir Arthur Conan Doyle - cha đẻ của bộ truyện thám tử Sherlock Holmes. Gardner và Doyle đã thực hiện một cuộc điều tra thứ 2, lần này là với 3 công ty nhiếp ảnh khác. Cũng như Snelling, 2 công ty có chung quan điểm: "không có dấu hiệu làm giả", trong khi công ty còn lại không tin điều đó.

Tuy nhiên, tất cả đều cho rằng "những bức hình này không thể dùng để kết luận có tiên nữ hay không". Hãng Kodak cũng không đồng ý cấp giấy chứng thực cho những bức hình này.

Có điều, Gardner và Doyle đã quá cảm tính và lựa chọn tin tưởng vào kết quả giám định cho rằng ảnh không phải làm giả.

Những tấm hình năm 1920 và "cơn địa chấn" với công chúng

Năm 1920, cha của Elsie lại một lần nữa tỏ ra chắc chắn rằng những bức ảnh của các cô là giả, dù ông đã từng thử lục lọi gian phòng của các cô nhưng không tìm ra bằng chứng.

Gardner thì trái lại, vẫn hoàn toàn tin tưởng sự trung thực của gia đình Wright. Để xóa tan mọi nghi ngờ, ông quyết định trở về Cottingley kèm theo 2 máy ảnh Kodak Cameo, cùng 24 tấm phim được bí mật đánh dấu. Ông cũng mời cả Frances đến ở chung với gia đình Wright, để 2 cô bé chụp thêm hình ảnh về tiên nữ.

Frances và Elsie tiết lộ rằng tiên nữ sẽ không xuất hiện nếu như có người khác quan sát, mọi người buộc phải để 2 cô gái lại một mình. Và sau đó, những bức ảnh tiên nữ kế tiếp ra đời.


Frances và một tiên nữ đang nhảy.


Elsie và một tiên nữ khác.

Những tấm hình sau đó được Gardner gửi lại cho Conan Doyle. Ông vui mừng khôn tả, sử dụng chúng làm tư liệu cho các bài báo xuất bản sau này, với hy vọng chúng đủ để thuyết phục công chúng tin vào sự tồn tại của tiên.

Quả nhiên, đó là một tin tức gây chấn động. Dư luận tiếp tục chú ý đến sự tồn tại của các nàng tiên, dù đâu đó vẫn còn những nghi ngờ, kiểu như tiên giống y hệt tạo hình trong truyện cổ tích, và họ có mái tóc quá... thời thượng.

Điều tra lại: lời thú nhận ngỡ ngàng và bí ẩn chưa được làm rõ

Câu chuyện về những nàng tiên vùng Cottingley dần phai nhạt sau năm 1921. Elsie và Frances cũng lập gia đình và rời xa khỏi đất nước.

Đến năm 1966, một phóng viên đã tìm ra Elsie khi cô trở về Anh Quốc. Lúc này, cô lấp lửng thừa nhận những cô tiên ấy có thể là "sản phẩm từ trí tưởng tượng", nhưng không tiết lộ thêm về quá trình chụp hình. Và thế là những bức ảnh lại một lần nữa gây sốt, khi nhiều cơ quan truyền thông vào cuộc để điều tra.

Năm 1976, Elsie và Frances cùng tham gia phỏng vấn với Yorkshire Television. Cả hai đều đồng ý rằng: "Những người sống có lý trí sẽ không thể nhìn thấy tiên", nhưng vẫn không trả lời gì về những bức hình.

Tuy vậy sau đó 2 năm, khi công nghệ bắt đầu phát triển, James Randi và đồng nghiệp tại Hội Khoa học điều tra các hiện tượng kỳ bí đã một lần nữa xem xét các bức hình. Lần này, họ xác nhận được vài bức ảnh là "hàng fake", vì "có thể thấy dây treo trên đầu họ". Nhưng Elsie và Frances vẫn giữ nguyên quan điểm của mình.

Thế rồi đến năm 1983, bộ đôi quyết định thú nhận sự thật: Các bức ảnh đều là dàn dựng. Elsie đã lấy lại hình vẽ vũ công trong các cuốn sách cho trẻ em lúc bấy giờ, vẽ thêm cánh và tạo ra mô hình bằng bìa các-tông.

Lý do họ thú nhận có lẽ do đã quá mệt mỏi với câu chuyện tự biên tự diễn, đồng thời công nghệ đã chỉ ra bằng chứng khá rõ ràng. Hơn nữa, theo Elsie, cả hai đã quá xấu hổ để thú nhận sau khi lừa được cả Conan Doyle, thế nên câu chuyện mới kéo dài lâu đến vậy.

Tuy nhiên vào lúc này, lại có một câu chuyện thú vị xảy ra liên quan đến bức hình cuối cùng - bức "tiên tắm nắng". Trong khi Elsie thừa nhận đó là "hàng fake", thì Francis lại một mực khẳng định riêng bức hình đó là thực.


Tiên nữ tắm nắng - bức hình cuối cùng trong series ảnh của nhà Wright.

"Đó là một buổi chiều thứ 7 khá ẩm ướt, chúng tôi cầm máy ảnh đi dạo chơi trong khi Elsie chưa kịp chuẩn bị thứ gì. Tôi đã nhìn thấy tiên đậu trên những lá cỏ, thế rồi hướng máy lên và chụp luôn" - trích lời Frances.

Lời khẳng định vẫn được Frances giữ nguyên cho đến khi qua đời vào năm 1986. Tuy nhiên lúc ấy, sự tin tưởng đã mất, còn các nhà nghiên cứu thì cho rằng đó chỉ là do lỗi chụp lộ sáng kép trong nhiếp ảnh mà thôi.


Các tiên nữ đều được dàn dựng chứ không hề có thật.

Cập nhật: 22/11/2017 Theo Trí Thức Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video