Bán hành tinh cổ đại "từ hư không" hiện hình gần Trái đất

Một vật thể mờ, khổng lồ, nửa giống sao, nửa giống hành tinh và đã 10 tỉ năm tuổi vừa được phát hiện cách Trái đất chỉ 29 năm ánh sáng.

Theo Sci-News, đó là một ngôi sao lùn nâu cổ đại mà các nhà thiên văn luôn hy vọng tìm thấy. Sao lùn nâu là một dạng vật thể thiên văn chưa thể định nghĩa rõ ràng, thường to lớn hơn nhiều lần so với những hành tinh khí khổng lồ như sao Mộc dù có vẻ ngoài khá giống, nhưng lại quá nhỏ để làm một ngôi sao.

Với kích thước "lỡ cỡ" đó, nó quá nhỏ để duy trì các phản ứng tổng hợp hydro ở lõi của chúng, điều cốt yếu giúp nó trở thành một ngôi sao, dù bản thân vật thể thì có mang một số tính chất của sao. Do đó sao lùn nâu hay được coi là "hành tinh cao cấp" hoặc "ngôi sao thất bại".


Hình ảnh ngôi sao lùn nâu bí ẩn xuất hiện trong các kính thiên văn - (Ảnh: Astronomy & Astrophysics)

Một vật thể thuộc loại này, mang tên WISE 1810, vừa được ghi nhận trong nghiên cứu của nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi tiến sĩ Nicolas Lodieu từ Viện Vật lý thiên văn Canarias và Khoa Vật lý thiên văn Đại học La Laguna - Tây Ban Nha.

Sử dụng một loạt thiết bị tối tân như OSIRIS, EMIR và HiPERCAM trên Kính viễn vọng khổng lồ Canarias, ALFOSC trên Kính viễn vọng Óptico Nóridico, Omega2000 trên Đài quan sát thiên văn Calar Alto của Tây Ban Nha, họ đã quan sát chi tiết và tìm ra một số tính chất cơ bản của WISE 1810, thứ có các đặc tính quang phổ rất đặc biệt.

"Không có mô hình khí quyển nào hiện nay có thể tái tạo ánh sáng do vật thể đặc biệt này phát ra" - tiến sĩ Lodieu nói.

Còn theo tiến sĩ María Rosa Zapatero Osorio từ Trung tâm Sinh học thiên văn (CSIC-INTA) ở Tây Ban Nha, thành viên khác của nhóm nghiên cứu, đây là lần đầu tiên ghi nhận được sự hiện diện của các vật thể mờ, thiếu kim loại như vậy trong thiên hà của chúng ta, cho dù các mô hình lý thuyết cho thấy chúng tồn tại không ít quanh ta, nhưng vì quá mờ nên khó quan sát.

WISE 1810 còn đặc biệt ở tuổi đời của nó. Việc nghiên cứu một ngôi sao lùn nâu cổ đại như vậy sẽ là mảnh ghép cần thiết cho bức tranh về sao lùn nâu, giúp các nhà khoa học hiểu thêm về quá trình ra đời và tiến hóa còn đầy bí ẩn của những "bán hành tinh" này.

Vật thể không biết là sao hay hành tinh này còn gây bối rối vì chưa rõ chúng sinh ra từ đâu. Nhưng giả thuyết lớn nhất là chúng gần như ra đời từ hư không - tự bồi tụ trong một đám mây khí bụi, giống cách của một ngôi sao. Bởi sao lùn nâu là những kẻ cô độc, không có sao mẹ nên không thể ra đời từ đĩa tiền hành tinh của sao mẹ như Trái đất chúng ta.

Nghiên cứu vừa được công bố trên Astronomy & Astrophysics.

Cập nhật: 26/07/2022 NLĐ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video