Các nhà khoa học cho rằng việc côn trùng mang trứng trên người có thể là chỉ dấu cho thấy sự thích nghi với môi trường sinh thái hoặc phản ứng trước những biến động trong hệ sinh thái ở hồ cổ đại.
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã phát hiện dấu tích cổ xưa nhất về bản năng bảo vệ trứng của côn trùng.
Loài bọ nước. (Ảnh minh họa: Flickr)
Báo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B ngày 18/7 cho thấy côn trùng đã biết chăm sóc trứng của mình ngay từ thời điểm giao thoa giữa kỷ Trung Jura và kỷ Jura Muộn, tức là cách đây hơn 161 triệu năm, chứ không phải chỉ 38 triệu năm như các nghiên cứu trước đó đã kết luận.
Việc chăm sóc con cái "từ thuở trứng nước" là hành vi thích ứng quan trọng liên quan tới sự bảo vệ, chăm sóc của cha mẹ đối với các thế hệ con cái. Kỹ năng này đã tiến hóa độc lập nhiều lần ở các loài động vật khác nhau, như động vật có vú, chim, khủng long, động vật chân đốt và đặc biệt là các loài côn trùng.
Các nhà nghiên cứu làm việc tại Viện Địa chất và Cổ sinh Nam Kinh thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc đã phân tích các mẫu hóa thạch tại quần thể sinh vật của loài Karataviella popovi - một loài bọ nước tồn tại cách đây 160 triệu năm.
Các hóa thạch này cho thấy những con cái Karataviella popovi trưởng thành mang theo nhiều nang trứng ở phần chân bên trái của chúng. Những hình ảnh phân tích kỹ lưỡng đối với một con cái Karataviella popovi cho thấy có tới 30 hóa thạch trứng được xếp thành 5 đến 6 hàng, mỗi hàng có chiều dài từ 1,14 đến 1,2mm.
Theo nghiên cứu trên, Karataviella popovi mang trứng trên chân để bảo vệ thể chất của các con, đồng thời ngăn ngừa một cách hiệu quả tình trạng thiếu oxy trong quá trình chờ trứng nở. Hành vi này của Karataviella popovi mẹ được đánh giá rất quan trọng đối với sự phát triển và sinh sản của trứng, tuy nhiên cũng khiến bọ nước mẹ đối diện nguy cơ bị ăn thịt nhiều hơn.