Tiểu hành tinh đường kính 330 - 750 m dự kiến tiếp cận ngày 7/1 tới với khoảng cách chỉ bằng 1/3 khoảng cách giữa Trái đất và sao Kim.
Tiểu hành tinh 496860 (1999 XL136) sẽ bay qua cách Trái đất 13,4 triệu km vào ngày 7/1/2022, theo Trung tâm Nghiên cứu Vật thể Gần Trái đất (CNEOS) thuộc NASA. Hành tinh gần Trái đất nhất, sao Kim, cách xa gấp ba lần khoảng cách này. Trong khi đó, sao Hỏa xa gấp 17 lần, trung bình khoảng 225 triệu km.
Mô phỏng một tiểu hành tinh tiếp cận Trái đất. (Ảnh: Dottedhippo).
496860 (1999 XL136) ước tính di chuyển với vận tốc 60.350 km/h, nhanh hơn khoảng 30 lần so với tiêm kích phản lực và 18 lần so với đạn bắn từ súng trường. Lần gần nhất tiểu hành tinh này tới sát Trái đất là tháng 4/2017 và lần tiếp theo dự kiến diễn ra vào tháng 7/2034.
Đường kính của 496860 (1999 XL136) ước tính 330 - 750 m, đồng nghĩa nó có thể nhỏ tương đương tháp Eiffel (Pháp) hoặc dài gấp đôi tòa nhà Empire State (Mỹ). Đường kính ước lượng có sự chênh lệch lớn như vậy là do cách tính toán kích thước tiểu hành tinh. Để xác định đường kính, các nhà thiên văn sử dụng suất phản chiếu - phép đo ánh sáng khả kiến từ Mặt Trời phản xạ khỏi bề mặt tiểu hành tinh.
Phương pháp này có thể dẫn đến sai lệch lớn vì kích thước không phải yếu tố duy nhất quyết định lượng ánh sáng phản xạ từ tiểu hành tinh và suất phản chiếu còn phụ thuộc nhiều vào khả năng phản xạ của bề mặt. Các yếu tố khác ảnh hưởng đến suất phản chiếu gồm vật chất cấu tạo, cách vật chất phân bố trên bề mặt và mật độ của chúng.
Suất phản chiếu cũng phụ thuộc vào màu sắc của tiểu hành tinh. Ví dụ, một tiểu hành tinh "phấn trắng" khối lượng nhẹ với vật chất vụn hoặc tơi xốp trên bề mặt có thể trông rất lớn trong mắt các nhà thiên văn. Ngược lại, tiểu hành tinh với bề mặt giống than sẽ phản xạ ít ánh sáng, do đó trông nhỏ hơn thực tế. Như vậy, từ khoảng cách hàng triệu km, một tiểu hành tinh lớn tối màu có thể trông to như một tiểu hành tinh nhỏ màu sáng.
Giới khoa học cũng còn một phương pháp xác định kích thước tiểu hành tinh khác với độ sai lệch nhỏ hơn nhiều. Đó là đo lượng nhiệt mà tiểu hành tinh phát ra khi di chuyển qua không gian. Điều này có thể thực hiện thông qua việc quan sát đối tượng bằng ánh sáng hồng ngoại. Đây có thể là phương pháp chỉ thị kích thước tốt hơn ánh sáng khả kiến vì một vật thể lớn hơn sẽ trông sáng hơn trong ánh sáng hồng ngoại và điều này không bị ảnh hưởng bởi lượng ánh sáng khả kiến mà nó phản xạ.
Theo Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA tại Viện Công nghệ California, đợn vị vận hành CNEOS, cách tốt nhất để xác định kích thước tiểu hành tinh là sử dụng kết hợp cả ánh sáng khả kiến phản xạ và tín hiệu hồng ngoại.