Trước khi tính đến chuyện ăn, uống, ngủ trên hành tinh mới, có một vấn đề quan trọng hơn rất nhiều: Nếu không hít thở được thì chúng ta sống kiểu gì?
Theo Futurism, chúng ta đã có một tia hy vọng mới trong việc tìm nguồn cung cấp oxy cho Hành tinh Đỏ: Vi khuẩn lam (cyanobacteria). Loại vi khuẩn này có khả năng hấp thụ khí carbon dioxide (CO2) và thải ra oxy ở những môi trường sống "kém thân thiện" nhất trên Trái đất. Vào ngày 15/6 vừa qua, một nhóm các nhà khoa học đã xuất bản nghiên cứu của mình trên tạp chí Science, liên kết những vi sinh vật bé nhỏ ấy với khả năng sinh sống của con người trên sao Hỏa.
Chắc hẳn bạn còn nhớ quá trình quang hợp là gì chứ? Đó là cách mà các loài thực vật chuyển đổi ánh sáng mặt trời thành năng lượng. Vi khuẩn lam cũng tạo ra năng lượng bằng cách quang hợp, nhưng chúng có thể làm điều này trong điều kiện ánh sáng thấp hơn rất nhiều so với những gì bạn cần để trồng cây cà chua của mình. Trên thực tế, các nhà khoa học đã tìm thấy vi khuẩn lam ở những "ngóc ngách" sâu nhất của đại dương.
Loài sinh vật này đã được tìm thấy ở những nơi có điều kiện sống vô cùng khắc nghiệt, nên chúng rất có thể cũng sẽ sống được trên sao Hỏa.
Một thành phần quan trọng của quá trình quang hợp là chất diệp lục. Đại đa số loài thực vật trên Trái đất chuyển ánh sáng thành năng lượng bằng chất diệp lục tố a. Vi khuẩn lam thì khác, chúng sử dụng chất diệp lục tố f để chuyển ánh sáng đỏ xa/tia hồng ngoại gần thành năng lượng. Đó là lý do chúng có thể sống ở những môi trường ít ánh sáng như ngày nay.
"Nghiên cứu này đã tái định nghĩa nguồn năng lượng tối thiểu cần trong ánh sáng để kích hoạt quá trình quang hợp", đồng tác giả nghiên cứu Jennifer Morton cho biết. "Kiểu quang hợp này có thể đang diễn ra ở ngay trong vườn nhà bạn".
Mục tiêu của nghiên cứu này là gì? Chúng ta sẽ có thể đưa vi khuẩn lan lên sao Hỏa để chúng sản sinh khí oxy cho những kế hoạch "thuộc địa hóa" của con người trong tương lai. Loài sinh vật này đã được tìm thấy ở những nơi có điều kiện sống vô cùng khắc nghiệt như sa mạc Mojave, Nam Cực và thậm chí là bên ngoài của Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), nên chúng rất có thể cũng sẽ sống được trên sao Hỏa.
"Điều này tuy nghe như phim khoa học viễn tưởng, nhưng các cơ quan vũ trụ và các công ty trên khắp thế giới đang tích cực tìm cách để biến khát vọng này thành sự thật trong tương lai gần", đồng tác giả nghiên cứu Elmars Krausz chia sẻ. "Chúng ta hoàn toàn có thể khai thác những loài sinh vật sống này để tạo ra không khí cho con người hít thở trên sao Hỏa".
Tất nhiên, chúng ta vẫn còn một chặng đường rất dài để có thể đặt chân lên sao Hỏa, chưa nói đến chuyện sinh sống tại đó. Nhưng ít ra thì khi chúng ta làm được điều đó, có không khí để hít thở sẽ không còn là một vấn đề quá quan trọng nữa.