Các nhà khoa học Nhật Bản vừa chiết xuất thành công năng lượng mới từ fire ice (băng cháy). Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào phân bố trên các đại dương và những vùng băng phủ. Thành công này mở ra hướng phát triển mới trên con đường tìm nguồn năng lượng thay thế vốn đang làm đau đầu các nhà khoa học trong thời gian qua.
>>> Nhật Bản khai thác khí đốt tự nhiên từ băng cháy
Băng cháy chứa khí methane hydrate và gas hydrate tồn tại ở dạng rắn, được hình thành từ khí thiên nhiên và nước ở điều kiện nhiệt độ thấp và áp suất cao có màu: Vàng, đỏ, xám, xanh da trời...
Mũi tên trúng hai đích
Trước khi được chế tạo thành khí đốt, methane dưới lòng biển được xem là "quả bom nổ chậm" vì nếu nó thoát ra môi trường sẽ làm tăng hiệu ứng nhà kính, có thể làm cho trái đất nóng lên cao gấp 21 lần so với Dioxide carbon (CO2). "Chinh phục" được methane, có nghĩa là đạt được hai mục đích, chưa kể đến sẽ tạo ra rất nhiều việc làm, giảm thiểu những sự cố môi trường nguy hiểm nếu so với sản xuất năng lượng từ nguyên tử. Cơ quan năng lượng Thế giới (IEA) đang có nhiều chương trình ủng hộ các quốc gia khảo sát, khai thác sử dụng khí methane hydrates.
JOGMEC khai thác methane hydrates ngoài khơi Nhật Bản
Tháng 3 vừa qua, Tập đoàn Dầu khí - Kim loại Quốc gia Nhật Bản (JOGMEC) đã chiết xuất thành công băng cháy từ thềm lục địa, có hàm lượng khí methane cao. Tuy nhiên, khó khăn hiện tại để sản xuất methane là chi phí cao do methane hydrate tồn tại ở dạng rắn nên muốn chuyển sang dạng khí phải áp dụng công nghệ phức tạp, tốn kém. Dự án thử nghiệm khai thác methane hydrate của JOGMEC phải áp dụng công nghệ rất phức tạp. JOGMEC đã chiết xuất thành công methane hydrate từ độ sâu 300m, cách bờ gần 80km tại khu vực bán đảo Atsumi, Nhật Bản. Các nhà khoa học đã làm giảm áp suất của methane hydrates để giúp tách methane khỏi băng cháy rồi thu lấy khí.
Triển vọng cho các nước châu Á
Với thành công ban đầu này, Nhật Bản hy vọng sẽ cải thiện tình trạng thiếu năng lượng của mình, đặc biệt sau thảm họa kép động đất, sóng thần và sự cố nhà máy điện hạt nhân. Một số quốc gia khác như: Trung Quốc, Nauy, Nga, New Zealand, Đức, Brazil, Chile, Hàn Quốc, Canada, Ấn Độ và Mỹ đã nghiên cứu vấn đề này nhưng mới chỉ có Nhật Bản chiết xuất thành công
Nhật Bản dự kiến sẽ thương phẩm hóa khí methane vào năm 2018 với mong muốn thoát dần ra khỏi cuộc khủng hoảng về năng lượng. Tính đến thời điểm này, Nhật Bản là quốc gia nhập khẩu khí hóa lỏng LNG hàng đầu thế giới, thứ 3 về nhập khẩu dầu mỏ.
Ấn Độ cũng rất quan tâm đến nguồn năng lượng này và đã có chương trình nghiên cứu methane hydrate từ năm 1997. Đến năm 2006, liên doanh đầu tiên giữa Mỹ và Ấn Độ ra đời nhằm khai thác khí methane tại vùng đảo Andamam, vịnh Mahanadi Godavari và nhiều nơi khác của Ấn Độ. Theo kết quả khảo sát, trữ lượng khí methane hydrate ở Ấn Độ rất lớn, gấp đôi dầu và khí. Nếu thành công, quốc gia đông dân thứ hai thế giới này sẽ giảm áp lực đáng kể về năng lượng vì hiện nay, Ấn Độ đang phải nhập khẩu than, dầu, khí thiên nhiên với số lượng rất lớn.