Bằng chứng khảo cổ hé lộ nghi thức hiến tế khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại

Ngày thứ Sáu trước lễ Phục sinh ở Huanchaquito, một ngôi làng ven biển phía bắc Peru, tiếng nhạc dance xập xình trôi dạt ra từ những quán cà phê chỉ cách mép nước vài trăm thước. Nhịp bass của bài hát nghe thổn thức như một trái tim đang đập bồi hồi.

Chen vào giữa là những tiếng xẻng "chúp" "chúp" của một nhóm công nhân địa phương giữa một bãi đất trống ngổn ngang rác thải. Ở đây, họ đang giúp những nhà khảo cổ vạch ra một di chỉ bị che lấp bởi cát, đất đá, chai lọ nhựa và cả vỏ đạn.

Khi lớp bùn cổ xưa đã hiện ra, hai nhà khảo cổ nằm sấp xuống và bắt đầu đào bằng cái  bay chuyên dụng của họ. Hình dáng của một ngôi mộ nhỏ đến lúc này đã bắt đầu hiển hiện. Lộ ra chính giữa của nó là đỉnh hộp sọ của một đứa trẻ, trên đầu vẫn còn một nhúm tóc đen.

Lúc này thì hai nhà khảo cổ đã chuyển từ bay sang cọ vẽ. Họ cẩn thận quét sạch lớp đất bụi, phát lộ nguyên vẹn phần còn lại của hộp sọ. Rồi đến cổ và xương vai cũng dần lộ ra sau tấm vải bông thô. Cuối cùng là cả thân người của đứa trẻ, nó cuộn tròn bên cạnh xác của một con lạc đà không bướu.

Gabriel Prieto, giáo sư khảo cổ học tại Đại học Quốc gia Trujillo, nhìn vào ngôi mộ và gật đầu. "Chín mươi lăm", ông nói. Đó là đứa trẻ thứ 95 mà Prieto tìm thấy trong khu mộ tập thể ở làng Huanchaquito này. 

Cộng dồn với một di chỉ khác cũng ở gần đó, 269 đứa trẻ tuổi từ 5-14 đã được tìm thấy. Những bộ xương có niên đại khoảng hơn 500 năm đang tiết lộ một sự thật khủng khiếp: Tất cả những đứa trẻ ở đây đều bị giết trong một nghi thức hiến tế chưa từng có trong lịch sử thế giới.

"Cái này, thật không thể tin nổi", Prieto một lần nữa phải thốt lên, lắc đầu trong hoang mang. Câu nói dường như đã trở thành một thần chú trấn an nhà khảo cổ học và cũng là một người cha, mỗi lần ông tìm ra thêm được một cái xác.

Prieto đã phải vật lộn đi tìm ý nghĩa cho những sự kiện đã diễn ra ở đây. Trong thời đại của chúng ta, cái chết đau đớn của dù chỉ một đứa trẻ cũng đã gây ra nỗi ám ảnh. Chỉ trừ những trái tim tàn nhẫn nhất, bóng ma của những vụ giết người hàng loạt là thứ khiến mọi người cảm thấy kinh hoàng.

Vậy tại sao ở đây, vào 500 năm trước, người ta có thể nhẫn tâm giết chết hàng trăm đứa trẻ? Hoàn cảnh tuyệt vọng nào có thể giải thích cho hành động ấy, một hành động không thể tưởng tượng được đối với xã hội loài người chúng ta ngày nay?

Nỗi lòng nhà khảo cổ

Di tích khảo cổ ở Huanchaquito-Las Llamas được phát hiện lần đầu vào năm 2011, bởi một nhóm trẻ địa phương. Khi đang đi chơi trên bờ biển, chúng và những con chó của mình đã tìm thấy một vài mẩu xương nhô ra khỏi cát.

Những đứa trẻ sợ hãi chạy về nhà kể cho bố mẹ chúng, thế là một người trong số họ, chủ của một cửa hàng pizza đã liên hệ với cảnh sát và nhờ Prieto đến kiểm tra. Ông ấy nghi ngờ đó chính là xương người, và dù gì cũng nên nhờ Prieto vì ông ấy là một nhà khảo cổ đã lớn lên ở vùng này.

Prieto sinh ra ở Huanchaco (phát âm là wan-CHA-co), thị trấn nơi có ngôi làng Huanchaquito. Ngay từ khi còn là một đứa trẻ, Prieto đã thể hiện niềm đam mê khám phá những di tích cổ. Ông thường dành những buổi chiều trèo lên ngọn đồi cao nhất của thị trấn để săn tìm những chuỗi hạt bên ngoài một nhà thờ thuộc địa Tây Ban Nha có từ thế kỷ 16.

Ông cũng đi tới tận rìa phía nam của thị trấn để khám phá tàn tích Chan Chan, thủ đô cổ của người Chimú. Vào thời kỳ đỉnh cao của thế kỷ 15, Chan Chan là một trong những thành phố lớn nhất ở Châu Mỹ, là trụ sở quyền lực của một đế chế trải dài khoảng 300 dặm dọc theo bờ biển Peru.

Tất cả những trải nghiệm thời thơ ấu đó đã truyền cảm hứng cho Prieto trở thành một nhà khảo cổ học, và trong khi chờ lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Yale, ông trở về quê hương để khai quật một ngôi đền 3.500 năm tuổi. Đó là lúc Prieto được người chủ quán pizza ở Huanchaquito báo về những khu mộ gần bờ biển.

Lúc đầu, Prieto nghĩ những hài cốt ở đây chỉ đơn giản là một nghĩa địa đã bị lãng quên từ lâu. Nhưng sau khi tìm thấy hài cốt của một số đứa trẻ được bọc trong vải liệm — phân tích đồng xạ carbon cho thấy nó có niên đại từ năm 1400 đến 1450 sau Công nguyên — nhà khảo cổ học mới nhận ra đây hẳn là một khám phá lớn hơn rất nhiều.

Prieto quan sát hình thái chôn cất này không giống những lễ tang điển hình của người Chimú. Những đứa trẻ dường như đã bị trói trong những tư thế khác thường - chúng nằm ngửa hoặc nằm nghiêng thay vì ngồi thẳng như thông lệ. Đồ mai táng cũng không có trang sức, gốm và những vật trang nghiêm khác thường thấy trong các ngôi mộ Chimú.

Thay vào đó, nhiều đứa trẻ được chôn cùng với những con lạc đà không bướu còn rất nhỏ. Là nguồn cung cấp thực phẩm, chất xơ và phương tiện giao thông quan trọng, những con vật này là một trong những tài sản quý giá nhất đối với người Chimú.

Cuối cùng và cũng là mối nghi ngờ lớn nhất: Nhiều đứa trẻ và động vật có những vết cắt nhìn thấy rõ trên xương ức và xương sườn của chúng. Không hề có bất cứ sự do dự nào hiện lên từ mũi dao. Prieto cho biết những đứa trẻ đã bị giết chết và moi tim. "Đó là một nghi lễ giết chóc, và nó rất có hệ thống", ông nói.

Một đế chế bị lãng quên

Tái hiện lại các nghi lễ hiến tế của người Chimú thực sự rất khó, chủ yếu là do các nhà khảo cổ học và sử gia biết rất ít về nền văn hoá này. Đế chế Chimú có thể là đế chế vĩ đại nhất mà ít ai từng nghe đến.

Nền văn minh này nằm giữa hai thời kỳ nổi tiếng hơn rất nhiều là đế chế Moche, nơi có những bức tranh tường tuyệt đẹp vẽ về sự hy sinh đẫm máu của những người bị bắt trong chiến tranh. Và đế chế Inca, kẻ đã đánh bại người Chimú vào khoảng năm 1470, nhưng rồi không lâu sau đó lại sụp đổ trước sự xâm lược của thực dân Tây Ban Nha.

Điều kì lạ là các nhà sử học không thể tìm thấy bất cứ tài liệu ghi chép nào về đế chế Chimú, mặc cho thực tế rằng họ là một nền văn minh vô cùng thịnh trị, sánh ngang với Moche và Inca.

Những manh mối ít ỏi xuất hiện trong biên niên sử của người Tây Ban Nha nhưng cũng chỉ là một ghi chép gián tiếp. Họ viết rằng vào những dịp nhà vua đăng quang hay băng hà, người Inca sẽ thực hiện những nghi thức hiến tế hàng trăm trẻ em. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có một bằng chứng khảo cổ nào khẳng định được điều đó.

Ngược lại những ngôi mộ ở Huanchaquito lại chỉ ra một bằng chứng khảo cổ cho một nghi thức hiến tế tương tự của người Chimú, nhưng lại không có bất cứ ghi chép nào cả. Điều này làm nảy sinh những câu hỏi dường như không thể trả lời: Tại sao họ lại hiến tế hàng trăm đứa trẻ trong một nghi lễ có quy mô chưa từng có? Và họ làm vậy trong dịp nào?

Một manh mối duy nhất cho những gì đã xảy ra tại Huanchaquito hoá ra lại là lớp bùn cổ xưa đã khô và đặc quánh lại. Nó cho thấy xác của những đứa trẻ đã được chôn cất dưới bùn. Mà bùn sâu có nghĩa là mưa lớn. Trên một bờ biển khô cằn như phía bắc Peru, "những trận mưa như vậy thường chỉ xảy ra với El Niño", Prieto giải thích.

Giống như những đế chế Nam Mỹ khác, Chimú đã duy trì dân số và nền thịnh vượng của họ ở thủ đô Chan Chan nhờ vào nghề cá và các hệ thống thủy lợi được quản lý. Cả hai đều có thể bị xáo trộn khi nước biển trở nên ấm hơn và những trận mưa như trút nước xảy ra do biến đổi khí hậu.

Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết về một đợt El Niño nghiêm trọng có thể đã làm lung lay sự ổn định chính trị và nền kinh tế của vương quốc Chimú. Do đó, các linh mục đã ra lệnh hiến tế hàng loạt trong một nỗ lực tuyệt vọng để thuyết phục các vị thần.

"Dựa trên số lượng trẻ em và động vật hiến tế này, đó hẳn là một khoản đầu tư lớn thay mặt cho đế chế gửi tới các đấng thần linh", Prieto nói.

Nghi thức khủng khiếp chưa từng có trong lịch sử

Jane Eva Baxter, một giáo sư nhân chủng học tại Đại học DePaul, người chuyên nghiên cứu lịch sử trẻ em, đồng ý rằng người Chimú có thể coi con cái của họ là một trong những lễ vật có giá trị nhất mà họ có thể dâng lên các vị thần.

Khi một gia đình quyết định cống nạp đứa con của họ, và một xã hội quyết định hiến tế hàng trăm đứa trẻ, họ đang hy sinh tương lai và tất cả tiềm năng và những gì mình có. Tất cả năng lượng và nỗ lực dành cho việc duy trì gia đình họ, duy trì xã hội của họ bây giờ được hiến dâng sang thế giới bên kia.

Cung tiến những đứa con cũng có thể đại diện cho một sự tiến hóa trong nghi lễ của các xã hội tiền thuộc địa ở miền bắc Peru. Sự tiến hóa chỉ xảy ra khi đã họ tuyệt vọng trong nỗ lực giành lấy ánh mắt chiếu cố của các vị thần.

Haagen Klaus, một giáo sư nhân chủng học tại Đại học George Mason nghĩ rằng trẻ em chỉ trở thành vật hiến tế sau sự sụp đổ của người Moche (nền văn hóa có trước Chimú) vào thế kỷ thứ chín. 

Trước đó, người Moche đã từng hiến tế một số lượng lớn các chiến binh trưởng thành bị giam cầm tại một di tích gọi là Đền Mặt Trăng, chỉ cách nơi người Chimú cai trị tại thủ đô Chan Chan vài dặm và sau vài thế kỷ.

Khi các nghi lễ hiến tế tù binh và người trưởng thành của người Moche thất bại, đế chế Chimú có thể nghĩ rằng vật hiến tế của họ đã mất tác dụng. Các vị thần có vẻ như đã khó tính hơn và họ cần tiếp tục cuộc đàm phán với những vật phẩm hiến tế giá trị hơn. "Đó là cách mà người Chimú tương tác với vũ trụ theo cách mà họ hiểu", Klaus nói.

Nhu cầu xoa dịu các linh hồn và ngăn mưa có thể là cấp thiết, nhưng bản thân cuộc hiến tế hàng loạt dường như đã được dàn dựng cẩn thận. Một nguồn tài nguyên quý giá khác là những chú lạc đà không bướu non đã được tuyển chọn kỹ lưỡng từ các đàn thuộc sở hữu của đế chế.

Nicolas Goepfert, một chuyên gia về lạc đà tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp, đã phân tích những mảnh vải bọc xác lạc đà. Qua đó, ông thấy người Chimú có thể đã chọn những con vật để hy sinh dựa trên tuổi và màu sắc của chúng. Ví dụ, những con lạc đà không bướu màu nâu sẫm thường được nuôi chung với những con lạc đà không bướu màu nâu nhạt, trong khi không có con vật da trắng hoặc đen nào bị hiến tế.

"Chúng tôi biết từ biên niên sử Tây Ban Nha rằng người Inca có mã màu dành cho lạc đà không bướu hiến tế. Có lẽ người Chimú cũng chọn lạc đà theo cách đó", Goepfert giải thích.

Nhưng về phần những đứa trẻ, chúng đã được tuyển chọn như thế nào cho số phận khủng khiếp của mình thì vẫn còn là một bí ẩn. Các nghiên cứu phát hiện những đứa trẻ cả nam và nữ đã bị giết tại Huanchaquito, tất cả đều được chăm sóc tốt, ít có dấu hiệu suy dinh dưỡng hoặc bệnh tật.

Phân tích đồng vị răng cho thấy chúng đến từ nhiều vùng của đế chế Chimú rộng lớn. Mặt sau của một số hộp sọ dài ra một cách bất thường, bằng chứng về một thủ tục cố ý chỉnh sửa hộp sọ vốn chỉ được thực hiện ở các vùng cao hẻo lánh.

Nhưng nhiều câu hỏi vẫn chưa được giải đáp. Những đứa trẻ đến từ những gia đình quý tộc hay những gia đình nghèo? Không có đồ mai táng thì câu hỏi này về cơ bản không có lời giải.

Có bao nhiêu gia đình đã mất con trong nghi lễ? Họ có sẵn sàng từ bỏ con ruột của mình khi đối mặt với thảm họa sắp xảy ra, hay đã bị ép buộc bằng bạo lực đến mức phải buông xuôi? Hiện tại, các nhà khảo cổ học không có câu trả lời.

Nhưng các dấu hiệu và manh mối pháp y đang giúp họ xây dựng lại một phần chuỗi sự kiện.

Các mẫu dấu chân và dấu vết được lưu giữ trong lớp bùn khô cho thấy đã có một lễ rước chính thức đến địa điểm hiến tế. Những dấu chân trần nhỏ bé của cả người và lạc đà khiến Prieto nghĩ rằng nạn nhân đã bị dẫn sống đến ngôi mộ của chính mình, nơi tất cả sẽ bị giết.

Không có con côn trùng nào được tìm thấy với hài cốt có nghĩa là những đứa trẻ đã được bọc cẩn thận trong vải liệm và nhanh chóng chôn cất cùng với những con lạc đà.

Hai người phụ nữ trưởng thành có thể đã trực tiếp quấn vải liệm và làm các nghi thức cuối cùng cho những đứa trẻ. Sau đó, họ cũng đã bị giết và tuẫn táng theo với một cú đánh mạnh vào đầu.

Gần đó, các nhà khảo cổ còn tìm thấy hài cốt của một người đàn ông trưởng thành, nằm ngửa dưới một đống đá. Cơ thể cường tráng khác thường của anh ta khiến họ tự hỏi liệu đây có phải chính là người đao phủ?

Cuối cùng, nghi lễ khủng khiếp này có cứu được những người Chimú khỏi sự giận giữ của các vị thần hay không? Hiện chưa có bằng chứng để trả lời câu hỏi ấy. Nhưng dựa trên thời gian nó được tiến hành, có lẽ người Chimú đã mất đi những đứa trẻ và cả lượng của cải lớn ngay trước khi nền văn minh của họ rơi vào vực thẳm.

"Đây là lúc bạn có nhiều thứ để mất nhất và bạn đang cống hiến nhiều nhất", Baxter nói. Chỉ vài thập kỷ sau đó, các chiến binh Inca sẽ tiến đến tận chân tường thành của thủ đô Chan Chan và hạ bệ toàn bộ nền văn minh Chimú.

Những mạng sống đáng giá hơn vàng

Nhiều tháng sau khi kết thúc cuộc khai quật tại Huanchaquito, Prieto tiếp tục tìm thấy nhiều trẻ em và lạc đà không bướu tại một địa điểm hiến tế khác được gọi là Pampa la Cruz. Địa điểm mới là một khu đất trống nằm trên một ngọn đồi cao, trên đó có một cây thánh giá lớn bằng gỗ. Cây thánh giá này được một người đánh cá dựng lên bằng lòng biết ơn của mình khi ông sống sót kì diệu sau một lần chết đuối.

Xa hơn một chút về phía nam dọc theo bờ biển, một đài tưởng niệm mới được xây dựng để tôn vinh các nạn nhân đã hy sinh ở Huanchaquito. Ở đó có bức tượng của một cậu bé và một con lạc đà không bướu bao quanh bởi những cây cọ mới trồng, mỗi cây cọ tượng trưng cho một người.

Tổng cộng, Prieto đã phát hiện ra hài cốt của 132 đứa trẻ Chimú, hầu hết đều bị hành quyết bằng vết rạch ngang quen thuộc trên ngực, và được chôn cất trong những tấm vải liệm đơn giản. Số nạn nhân được tìm thấy tại cả hai địa điểm hiện lên tới 269 trẻ em, 3 người lớn và 466 con lạc đà không bướu.







Nhưng thứ khiến Prieto khó hiểu nhất là 9 ngôi mộ tập trung trên đỉnh đồi ngay sát tàn tích của một ngôi đền thời Moche hướng ra biển. Những ngôi mộ này cũng giam giữ những đứa trẻ Chimú, nhưng chúng được chôn cất trong những chiếc áo choàng và mũ đội đầu công phu được trang trí bằng lông vẹt và đồ gỗ chạm khắc.

Không ai trong số 9 nạn nhân có vết cắt ở ngực, chỉ có hộp sọ của một đứa trẻ đã bị tổn thương nghiêm trọng do một cú đánh chí mạng vào đầu.

Prieto sau đó đã khai quật được một con dao bằng đồng khổng lồ với tiếng kêu lục cục ở một đầu, không giống bất cứ thứ gì được phát hiện bởi bất kỳ nhà khảo cổ học nào trước đây. "Chúa ơi, cái gì thế này?", ông phải buột miệng nói khi tìm thấy nó. Con dao này có thể chính là thứ được sử dụng để giết những đứa trẻ được chôn ở đây?

Phần còn lại, Prieto vẫn đang phải đấu tranh để tìm hiểu động cơ và logic đằng sau vụ hiến tế hàng loạt của người Chimú. Nhưng vào một buổi chiều khi nghỉ ăn trưa, ông chia sẻ một câu chuyện cũ khiến sự tàn bạo của nền văn minh cổ đại này giảm đi được đôi chút.

Biên niên sử thuộc địa của người Tây Ban Nha ghi lại rằng sau khi chinh phạt được miền đất, họ đã bắt được Don Antonio Jaguar, một thủ lĩnh hiếm hoi còn sót lại của đế chế Chimú. Jaguar đã hộ tống các vị lãnh chúa Tây Ban Nha mới của mình đến một kho báu vô giá.

Theo truyền thuyết ở Huanchaco, Don Antonio đã chỉ họ đến một địa điểm được gọi là peje chico - nó có nghĩa là kho báu nhỏ hơn. Thế còn peje grande - kho báu lớn cho đến giờ vẫn chưa được khám phá.

"Tôi muốn nghĩ rằng bọn trẻ chính là kho báu lớn đó, rằng chúng là những gì quý giá nhất đối với người Chimú", Prieto trầm ngâm nói. "Mạng sống của chúng phải đáng giá hơn vàng".

Cập nhật: 17/02/2022 Theo Pháp luật&bạn đọc
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video