Các nghiên cứu mới củng cố giả thuyết nCoV có nguồn gốc từ động vật và lây sang người vào cuối năm 2019. Tâm chấn khởi phát dịch tiếp tục là chợ Hoa Nam, Vũ Hán, Trung Quốc.
Theo CNN, ba nghiên cứu này được đăng trên các trang dữ liệu về khoa học ngày 26/2 trước khi công bố ở các tạp chí chuyên khoa. Các tác giả nhấn mạnh bằng chứng về việc nCoV có nguồn gốc từ động vật và nhảy sang người vì buôn bán động vật hoang dã trong chợ hải sản Hoa Nam, Vũ Hán, Trung Quốc. Họ cũng bác bỏ quan điểm nCoV được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm.
Củng cố bằng chứng nCoV có nguồn gốc từ động vật hoang dã
Hai nghiên cứu do nhóm chuyên gia của Đại học Arizona, Mỹ, thực hiện, sử dụng phân tích không gian để chỉ ra các ca mắc Covid-19 sớm nhất xuất hiện vào tháng 12/2019. Các mẫu bệnh phẩm trong môi trường có mối liên hệ chặt chẽ với người bán động vật hoang dã ở chợ hải sản Hoa Nam, Vũ Hán, Trung Quốc.
Thông qua hai nghiên cứu này, nhóm chuyên gia cũng phản đối lý thuyết về nguồn gốc trong phòng thí nghiệm của nCoV, khẳng định không có bằng chứng virus rò rỉ từ đây.
Giáo sư Michael Worobey, Trưởng khoa Sinh thái học tiến hóa, Đại học Arizona, tác giả hai công trình này nhận định các kết quả này mang tới bằng chứng mạnh mẽ, đột phá nhất cho thấy nguồn gốc của đại dịch Covid-19 liên quan động vật hoặc khởi phát từ chính động vật. Ông gọi các phát hiện này “không thể hợp lý hơn” về nguồn gốc của nCoV.
“Khi bạn xem xét tất cả bằng chứng cùng nhau, đó là một bức tranh rõ ràng đưa đến kết luận đại dịch bắt đầu từ chợ hải sản Hoa Nam”, vị chuyên gia khẳng định.
Các thành viên của Đội phản ứng vệ sinh khẩn cấp Vũ Hán rời chợ hải sản Hoa Nam sau khi nó đóng cửa ngày 11/1/2020. (Ảnh: Noel Celis/AFP)
Trong khi đó, nhà dịch tễ học, tiến sĩ Thea Fischer, Đại học Copenhagen, Đan Mạch, người không tham gia vào các nghiên cứu, đánh giá các phát hiện này “rất thuyết phục”. Theo NY Times, ông cho rằng câu hỏi liệu virus có lây từ động vật sang người không đã được giải quyết bằng chứng cứ xác đáng.
GS Worobey mô tả mô hình lây ban đầu của nCoV tương tự một trận pháo hoa. Quá trình bùng nổ ban đầu xảy ra vào cuối năm 2019. Song, đến đầu tháng 1-2/2020, mô hình thay đổi hoàn toàn, cho thấy một loại virus đã “xâm nhập vào các cộng đồng địa phương”.
Nghiên cứu viết: "Tháng 12/2019, các trường hợp mắc Covid-19 bất ngờ tập trung vào thị trường ở chợ hải sản Hoa Nam, bất kể họ có là người bán hàng trong chợ, từng ghé qua đây hoặc liên quan khu vực này hay không. Một số trường hợp liên quan dịch tễ với chợ đều nằm ở phía tây, điểm tập trung hầu hết gian hàng bán động vật hoang dã”.
Khi kiểm tra bề mặt tại chợ để tìm vật liệu di truyền của nCoV, một gian hàng có nhiều manh mối tích cực, gồm cả chiếc lồng mà trước đó một nhà nghiên cứu từng phát hiện là nơi lửng chó được nuôi nhốt.
Nhân viên mặc đồ bảo hộ khử trùng chợ Hoa Nam vào ngày 4/3/2020. (Ảnh: Reuters).
Giả thuyết về hai dòng nCoV khác nhau cùng lây lan từ động vật sang người
Trong nghiên cứu còn lại, nhóm chuyên gia của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc phát hiện bộ gene SARS-CoV-2 trước tháng 2/2020 gồm hai nhánh tiến hóa của virus - được ký hiệu là A và B. Hai nhánh này là kết quả của ít nhất hai sự kiện lây truyền chéo động vật sang người.
Nghiên cứu này đã được tiến hành cách đây hai năm nhưng đến nay, nhóm chuyên gia của CDC Trung Quốc mới công bố kết quả.
Lần lây truyền đầu tiên từ động vật sang người có thể liên quan virus dòng B, xảy ra vào cuối tháng 11, đầu tháng 12/2019. Trong khi đó, sự xuất hiện của dòng A có thể xảy ra vài tuần sau sự kiện đầu tiên.
Những phát hiện này xác định khoảng cách giữa thời điểm nCoV lần đầu tiên xâm nhập vào cơ thể người và các ca mắc Covid-19 đầu tiên được báo cáo. Nhóm chuyên gia nhận định tương tự SARS-CoV-1 ở những năm 2002, 2003, sự xuất hiện của SARS-CoV-2 cũng có thể do nhiều sự kiện lây truyền từ động vật sang người.
Điểm đặc biệt chính là có hai dòng corona cùng nhảy ra khỏi hai loài động vật khác nhau sang người. Thời điểm có thể là vào tháng 11/2019.
Tiến sĩ Worobey và các cộng sự phân tích 800 mẫu bệnh phẩm Covid-19 ở thời điểm đầu tiên của đại dịch. Họ phát hiện cả dòng A và B đều trải qua những đợt tăng trưởng riêng. Nhóm chuyên gia cho rằng lời giải thích khả dĩ nhất đó là cả hai dòng đều tự lây lan từ những loài động vật khác nhau sang người.
Đặc biệt, cả hai lần truyền bệnh này đều có thể xảy ra ở chợ Hoa Nam. TS Worobey và cộng sự phát hiện hai ca mắc Covid-19 sớm nhất của dòng A liên quan những người sống gần chợ. Trong khi đó, nghiên cứu của CDC Trung Quốc tiết lộ trên chiếc găng tay thu thập được ở chợ này có dòng A.
Các nhà nghiên cứu suy đoán lửng chó có thể là vật trung gian truyền nCoV từ động vật sang người. Trong ảnh là loài lửng chó đã được bán ở chợ hải sản Hoa Nam, Vũ Hán, Trung Quốc. (Ảnh: Edwin Giesbers).
Những phát hiện này gây bất ngờ với giới khoa học. Trong những ngày đầu của đại dịch ở Trung Quốc, các trường hợp mắc Covid-19 mới chỉ được phát hiện liên quan virus nhánh B. Bởi nó dường như phát triển sau nhánh A và một số nhà nghiên cứu cho rằng nCoV chỉ xuất hiện ở khu chợ sau khi phát tán tại nơi nào đó quanh Vũ Hán.
Song, logic này đã bị phá vỡ. Phát hiện này phù hợp với kịch bản mà tiến sĩ Worobey và các cộng sự đưa ra, cho thấy ít nhất hai sự kiện khiến nCoV nhảy từ động vật sang người.
Nhóm tác giả lưu ý thời điểm ban đầu có thể bao gồm nhiều dạng virus hơn, song, đa số chúng không thể tồn tại trên người, chỉ có nCoV là đạt được điều đó. Ngoài ra, khi xem xét các báo cáo về sự lây nhiễm nCoV ở động vật như mèo, hươu, chuột đồng, các nhà nghiên cứu nhận thấy “đây là virus không cần quan tâm đến vật chủ để nó tái tạo là ai”.
Tuy nhiên, không nghiên cứu nào trong số này có bằng chứng xác thực loài động vật nào có thể là vật trung gian truyền virus sang người. Hiện tại, họ đặt giả thuyết có thể là lửng chó hoặc một động vật có vú khác. Đây cũng là vấn đề mà một số chuyên gia cho rằng các nghiên cứu này vẫn còn hạn chế.
Giáo sư miễn dịch học Robert Garry, Trường Y Tulane, Mỹ, trả lời phỏng vấn của CNN: “Những phát hiện này gần như chắc chắn virus mà chúng ta mắc phải có nguồn gốc từ động vật”. GS Garry là đồng tác giả của nghiên cứu thứ hai. Ông và các cộng sự đã tìm thấy ít nhất hai sự kiện củng cố thêm bằng chứng nCoV lây truyền từ động vật sang người.
Nhà virus học Kristian Andersen, Viện Nghiên cứu Scripps ở La Jolla, California, Mỹ, đồng tác giả, khẳng định điều quan trọng nhất là phải tìm ra những loài động vật có vú hoang dã đã được bán ở chợ Hoa Nam trong thời điểm tháng 11/2019 và tìm kiếm những bằng chứng của những đợt bùng phát trong quá khứ. Ông cho rằng có thể dân làng ở những nơi cung cấp động vật hoang dã đã mang kháng thể do tiếp xúc virus corona.