Những bằng chứng trong văn chương và hình khắc xuất hiện trong lăng mộ khiến các nhà khoa học tin rằng, tình dục đồng giới có thể đã xuất hiện ở Ai Cập thời cổ đại.
Phát hiện mới về tình dục đồng giới tại Ai Cập cổ đại
Tình dục trong lịch sử là đề tài nghiên cứu nhiều thách thức đối giới khảo cổ. Khác với thực đơn hay bệnh tật, dấu tích về hoạt động tình dục không hề lưu lại trên hài cốt được khai quật. Những đồ vật sử dụng trong chuyện ân ái thời kỳ này (như các biện pháp tránh thai) thường không tồn tại trong các dữ liệu khảo cổ, khiến kết luận về sự tồn tại của chúng ngay từ những ngày đầu vẫn chứa đầy nghi vấn.
Đoạn mô tả nghi lễ Cân trái tim từ Cuốn sách của Cái chết. Sau khi thề không phạm phải lỗi lầm nào trong số 42 tội lỗi, trái tim người chết sẽ được cân để đo độ trung thực của lời thú tội. (Ảnh: Public Domain).
Hơn nữa, đối với nhiều cộng đồng cổ đại, tình dục là đề tài bị coi là ghê tởm và không được phép đề cập trực tiếp. Điều đó khiến những mô tả về tình dục dường như vắng bóng trong các hiện vật văn hóa. Khi vấn đề này được khắc họa bằng hình vẽ, ý nghĩa của nó lại chủ yếu được diễn giải theo suy luận của con người hiện đại. Muốn xác định rõ thông điệp mà cộng đồng cổ đại nhắn nhủ qua các hình ảnh này, giới khoa học chỉ còn cách dựa vào nguồn văn chương cổ.
Tuy nhiên, vấn đề càng thêm phức tạp khi các ghi chép văn chương dường như không mang tính đại diện cho toàn xã hội mà chỉ xuất phát từ góc nhìn riêng của tác giả. Tất cả sự thiếu thốn thông tin khiến hiểu biết về tình dục cổ đại vẫn còn là một đề tài nhiều tranh cãi. Các vấn đề khác liên quan, bên cạnh tình dục nam nữ thông thường, như giao hợp với xác chết, thú vật và quan hệ đồng giới thậm chí còn gây nhiều bối rối hơn cho các chuyên gia.
Tình dục đồng giới trong Cuốn sách của Cái chết
Theo phần lớn những chứng liệu thu thập được, người Ai Cập cổ dưới sự cai trị của các Pharaoh, coi quan hệ dị tính hay giao hợp nam nữ là điều tự nhiên. Tình dục đồng giới, trái lại, chịu những kỳ thị khắc nghiệt.
Phần có tên Spell 125 trong Cuốn sách của Cái chết bao gồm những điều một người chết phải thú nhận khi bước tới “Đại sảnh Hai sự thật”. Trong số này có dòng ghi rằng: “Tôi không có hành vi thể xác sai trái nào, tôi không quan hệ với người cùng giới”. Dựa theo bằng chứng này, có thể khẳng định tình dục đồng giới là điều cấm kỵ trong nền văn minh của người Ai Cập cổ.
"Mối thù giữa Horus và Seth"
Hành vi luyến ái giữa những người cùng giới bị kỳ thị không có nghĩa là con người không hề thực hiện nó vào thời cổ đại. Văn chương Ai Cập cổ không hiếm những ví dụ nhiều khả năng mô tả tình dục cùng giới, thông thường giữa hai nam giới phổ biến hơn nữ giới với nhau.
Thần Seth (bên trái) và Horus (bên phải) bày tỏ sự tôn thờ với Ramesses. Hình khắc họa tại ngôi đền ở Abu Simbel, Ai Cập. (Ảnh: Public Domain).
Nổi bật trong số này là truyền thuyết về “Mối thù giữa Horus và Seth” (Seth và Horus là hai vị thần có quan hệ chú cháu, nhiều lần gây chiến vì hận thù). Một phiên bản của truyền thuyết này có đoạn kể rằng:
"Rồi Seth nói với Horus rằng: "Đến đây, hãy cùng nhau tới nghỉ tại nhà ta". Horus đáp rằng: "Tôi sẽ đến, chắc chắn tôi sẽ đến, sẽ đến". Đến tối, giường được chuẩn bị sẵn sàng và cả hai cùng nằm xuống. Nhưng suốt đêm, Seth làm cương cứng dương vật của mình rồi chèn vào giữa hai đùi của Horus. Horus đặt hai tay vào giữa đùi và hứng lấy tinh dịch của Seth. Sau đó, Horus chạy tới bên mẹ Isis và nói rằng: "Giúp con, Isis, mẹ của con, tới đây và xem Seth đã làm gì với con". Rồi Horus mở bàn tay cho người mẹ nhìn. Isis khi đó thét lên kinh hoàng, chộp lấy con dao và chém đứt lìa bàn tay Horus".
Để hiểu được phần này của truyền thuyết, người đọc cần phải xác định rõ ràng mối quan hệ giữa Horus và Seth là thù địch. Do đó, trong phiên bản này, mặc dù Seth có tham gia vào một kiểu quan hệ được xem là đồng giới, mục đích của hành động không phải thể hiện yêu thương, mà là nhằm lấn át Horus và chứng minh rằng Seth mới là người chiếm thế thượng phong.
Chuyện về Vua Neferkare và tướng quân Sasenet
Một câu chuyện khác mô tả quan hệ đồng giới có tựa "Vua Neferkare và tướng quân Sasenet". Câu chuyện, nhiều khả năng chỉ là hư cấu, kể về vị Pharaoh Neferkare (còn có tên là Pepi II, Pharaoh thứ năm của Vương triều thứ 6 Ai Cập cổ đại trong thời kỳ Cổ Vương quốc) đêm đêm tìm đến nhà tướng quân Sasenet:
"Sau đó ông ta (người có tên là Tjeti) phát hiện vị Pharaoh đường bệ của vùng Thượng và Hạ Ai Cập, đi một mình trong đêm mà không có cận vệ nào bên cận. Tjeti nấp đi trước khi nhà vua thấy mình. Tjeti, con trai của Henet, vẫn đứng đó và nghĩ rằng: "Nếu vậy thì, lời đồn vị vua ra ngoài hàng đêm là sự thật".
Tjeti, con trai Henet, tiếp tục đi theo vị vua, cố gắng không để trái tim mình đổ tội cho bản thân, cố theo dõi mọi hành động của của Ngài. Nhà vua tới trước nhà của tướng Sasanet. Ngài ném một viên gạch, sau đó một chiếc thang được hạ xuống và nhà vua trèo lên trên.
Lúc này Tjeti, con trai Henet, chờ cho tới khi nhà vua rời khỏi nhà tướng Sasenet. Sau khi nhà vua đã thực hiện xong việc mà ông muốn làm với tướng quân, Ngài trở về cung điện và Tjeti lại theo sau Ngài. Chỉ sau khi nhà vua đã về đến Great House, Tjetin mới quay trở về.
Chuyến đi của Pharaoh tới nhà tướng quân Sasenet mất tới 4 tiếng trong đêm. Ngài dành thêm 4 tiếng nữa trong nhà tướng quân Sasenet. Và khi Ngài bước chân vào Great House, chỉ còn 4 tiếng nữa là đến rạng đông".
Phù điêu Pharaoh Neferkare (Pepi II) trong lăng mộ ở Saqqara, AI Cập. (Ảnh: Ancient Origins).
Đoạn văn này trong câu chuyện không mô tả trực tiếp và rõ ràng những gì Pharaoh đã làm trong thời gian ở nhà tướng quân Sasenet. Dù vậy, câu văn viết về "những việc Pharaoh muốn làm với ông ấy (tướng quân)" được cho là cách đề cập gián tiếp tới giao hợp đồng giới. Nếu đó là điều thực sự được câu chuyện nhắm đến, các nhà khoa học có thể bổ sung thêm một bằng chứng tái khẳng định thái độ tiêu cực của người Ai Cập cổ với tình dục đồng giới.
Tuy nhiên, vì câu chuyện chỉ được tìm thấy trong những mẩu giấy rời rạc, các nhà khoa học tới nay vẫn không rõ kết cục của nó. Do đó, không ai có thể khẳng định chắc chắn điều gì đã xảy ra hay mối quan hệ nào đằng sau Pharaoh và tướng quân trong câu chuyện cổ xưa này.
Bức tranh tâm điểm của những cuộc tranh cãi về tình dục đồng giới ở Ai Cập cổ đại
Tranh cãi gay gắt nhất về tình dục đồng giới ở Ai Cập cổ hiện nay xuất phát từ hai hình ảnh trong lăng mộ thời Cổ Vương quốc của hai người Niankhkhnum và Khnumhotep ở Saqqara, ngoại ô thủ đô Ai Cập, được phát hiện năm 1964.
Những hình vẽ "nằm trên một khu vực ở bức tường phía tây, giữa hai lối vào của những phòng hiến tế" khiến các nhà khoa học cực kỳ ấn tượng, mô tả hai người đàn ông ôm nhau đầy âu yếm. Hình ảnh này một lần nữa được khắc họa "bên trong phòng hiến tế cuối cùng, đối diện với cổng vào lăng mộ".
Hình ảnh của Niankhkhnum và Khnumhotep tại lăng mộ chung ở Saqqara, Ai Cập. Hai người đàn ông được khắc họa với những đứa con kính cẩn đứng đằng sau. (Ảnh: Ancient Origins).
Ban đầu, các nhà khoa học suy luận rằng, đây là hầm mộ chôn cất hai anh em, hoặc có thể là hai anh em sinh đôi bị dính liền thân. Tuy nhiên, giả thuyết khác cho rằng Niankhkhmum và khnumhotep có quan hệ luyến ái và được chôn cất với nhau như vợ chồng. Trong vài thập kỷ qua, khả năng này đã giành được sự ủng hộ của nhiều học giả.
Tuy nhiên, việc thiếu những bằng chứng thuyết phục khiến mối quan hệ giữa Niankhkhnum và Khnumhotep cũng như quan hệ đồng giới trong thời kỳ Ai Cập cổ vẫn còn là một vấn đề chưa ngã ngũ.