Sau khi vượt qua quần đảo của Philippines, bão Banyan đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Nhưng khi vào đến biển Đông, áp thấp nhiệt đới đã bất ngờ mạnh lên.
Hình thành ven biển ngoài khơi miền trung Philippines, sáng 13/10, sau khi vượt qua quần đảo này, bão Banyan đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và tiến vào biển Đông. Tuy nhiên, theo cơ quan khí tượng, khi vào đến biển Đông vùng áp thấp nhiệt đới đã được tiếp thêm năng lương và sẽ mạnh lại thành bão. Đến 13h hôm nay (13/10), vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 13,5 độ Vĩ Bắc; 119,0 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7, giật cấp 8, cấp 9.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Bắc và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 13h ngày 14/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,2 độ Vĩ Bắc; 116,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 530km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9, cấp 10.
Hành trình vượt biển bão bão Banyan. Kích vào ảnh để xem hình lớn hơn. (Ảnh: NCHMF)
Theo chuyên gia khí tượng, từ chiều nay, do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, vùng biển phía Đông khu vực Bắc và giữa biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động rất mạnh.
Ngoài ra, bộ phận không khí lạnh vẫn đang tiếp tục di chuyển xuống phía Nam. Dần sáng và ngày mai (14/10) sẽ ảnh hưởng tới các tỉnh miền Bắc nước ta. Do ảnh hưởng của không khí lạnh, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa, mưa rào và rải rác có dông. Gió Đông Bắc trên vịnh Bắc Bộ sẽ mạnh dần lên cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7.
Hình ảnh mây vệ tinh cơn bão Banyan (Ảnh: NCHMF)