Báo cáo mới đây của Mỹ về khí hậu Bắc Cực cho biết sự ấm lên nhanh chóng tại vùng Bắc Cực và số lượng lớn các núi băng đang tan dần là hiện tượng "cực kỳ bất thường trong hàng nghìn năm qua".
Tảng băng khổng lồ ở Bắc Cực bị nứt. |
Các nhà khoa học Mỹ, Canada, Đức, Anh, Đan Mạch tham gia nghiên cứu cho biết nhiệt độ Bắc Cực nếu ấm lên liên tục thêm vài độ nữa có thể khiến toàn bộ lớp băng phủ trên Đảo Greenland - Đan Mạch biến mất và khi đó mực nước biển sẽ dâng thêm vài mét.
Các nhà khoa học cảnh báo "sự thay đổi nhiệt độ tại Bắc Cực đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn các khu vực khác ở Bắc Bán Cầu và hiện tượng này có thể tiếp diễn. Hệ quả là các núi băng và lớp băng phủ trên những vùng đất tại đây bị tan chảy, mực nước biển dâng cao và các vùng duyên hải sẽ bị nhấn chìm".
Các lớp băng phủ khắp Bắc Cực và cả Nam Cực đã đạt kỷ lục về tốc độ tan chảy trong vài năm gần đây. Hè 2007 là khoảng thời gian băng tan chảy nhiều nhất, Hè 2008 khối lượng băng tan cũng gần đạt mức đó. Nhiều vùng cực Bắc của Canada đã chứng kiến hiện tượng ấm lên bất thường trong mùa Hè vừa qua.
Vùng Iqaluit và Nunavut có nhiệt độ cao nhất trong lịch sử, còn đảo Baffin bị ngập lụt và diện tích giảm đáng kể do nước biển dâng lên nhấn chìm nhiều vùng ven biển; tuyến hành lang biển Northwest được mở rộng hơn và đảo Ellesmere đã lộ ra hàng trăm km2 đất trước đây vốn bị băng phủ quanh năm./.