"91% người dân ở nông thôn tự ý sử dụng thuốc kháng sinh", ông Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, thông tin tại Lễ mít-tinh truyền thông về phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam năm 2016, tổ chức sáng 30-11 tại Hà Nội.
Theo ông Thái, hầu hết cơ sở khám chữa bệnh ở Việt Nam đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng các vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh. Bên cạnh đó, tỉ lệ dùng thuốc kháng sinh ở Việt Nam rất cao, 50% chi phí khám chữa bệnh trong các cơ sở khám bệnh dành cho tiền thuốc điều trị, trong đó thuốc kháng sinh chiếm 33%.
Trong khi các quốc gia phát triển đang còn sử dụng kháng sinh thế hệ 1 thì Việt Nam đã sử dụng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4.
Theo một nghiên cứu mới của Bộ Y tế, việc tự ý sử dụng thuốc kháng sinh của người dân ở nông thôn lên tới 91%, trong khi ở thành thị là 88%. Gánh nặng do kháng thuốc ngày càng tăng do chi phí điều trị tăng lên, ngày điều trị kéo dài, ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh, cộng đồng và sự phát triển chung của xã hội. Hằng năm có hàng triệu người chết cho kháng thuốc, trong đó có 1,4 triệu trẻ em và phải chi hàng trăm tỉ USD cho kháng thuốc.
Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến phát biểu tại lễ mít tinh.
Theo ước tính của các chuyên gia, dự kiến đến năm 2050, có khoảng 10 triệu ca tử vong một năm do tình trạng kháng thuốc, con số cao hơn nhiều so với tử vong do ung thư hay đái tháo đường hiện nay.
WHO cảnh báo hiện Việt Nam được xếp vào một trong những nước có tỉ lệ kháng kháng sinh cao nhất. Tình trạng bị kháng thuốc không chỉ xảy ra ở thuốc điều trị lao, sốt rét, viêm phổi... mà cả với thuốc dự phòng HIV/AIDS, các loại thuốc kháng sinh thế hệ mới. Đây là lý do WHO và các cơ quan quốc tế khác chỉ ra rằng kháng sinh đang là một mối đe dọa nghiêm trọng, thách thức đối với điều trị trong tương lai.
GS-TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết Bộ Y tế đã thiết lập mạng lưới giám sát vi khuẩn kháng thuốc trong các cơ sở khám chữa bệnh giai đoạn 2016-2020 với 16 BV tham gia giám sát trọng điểm về kháng thuốc.
Các đơn vị này thực hiện việc lấy mẫu (máu, nước tiểu, phân, dịch đường sinh dục, tiết niệu), nuôi cấy, định danh và kháng sinh đồ một cách thường quy. Mạng lưới này cũng có nhiệm vụ phân tích và báo cáo dữ liệu quốc gia về kháng thuốc gồm: giám sát sự kháng thuốc của các vi khuẩn gây bệnh liên quan đến nhiễm khuẩn trên người; sự xuất hiện của vi khuẩn kháng thuốc mới và/hoặc bất thường; giám sát mức độ nghiêm trọng, sự lây lan và vấn đề dịch tễ của vi khuẩn kháng thuốc... Các thông tin này sẽ được cung cấp cho cơ sở y tế, cộng đồng và mạng lưới quốc tế.