Theo một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Nature mới đây, những cơn bão đang có xu hướng di chuyển chậm hơn so với bình thường. Hệ lụy từ việc bão di chuyển chậm là những trận mưa lớn và gió giật dai dẳng.
Tác giả nghiên cứu James Kossin cho biết, đa số các cơn bão thường lao vào đất liền và tan dần sau khi gây thiệt hại với sức gió hủy diệt và những trận mưa lớn. Mặc dù vậy có một yếu tố khiến những cơn bão trở nên nguy hiểm hơn thế, đó chính là tốc độ di chuyển.
Theo chuyên trang Technology, tốc độ di chuyển của cơn bão có thể ảnh hưởng nhất định tới lượng mưa và tốc độ gió trên đường chúng đi qua. Thêm vào đó, mối liên hệ này càng trở nên rõ nét hơn khi có sự cộng hưởng của biến đổi khí hậu và hiện tượng Trái Đất nóng lên.
Kossin, một nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), cho biết: "Nếu nhiệt độ toàn cầu tăng 1 độ C có thể khiến tốc độ dịch chuyển của bão giảm 10% và tăng gấp đôi lượng mưa".
Nghiên cứu tiến hành so sánh dữ liệu về cường độ những cơn bão trong giai đoạn từ 1949-2016. Thông qua bộ dữ liệu, NOAA có thể xác định những thay đổi về tốc độ di chuyển của bão. Kết quả thật bất ngờ, tốc độ di chuyển của những cơn bão đang giảm trung bình 10% trong suốt gần 70 năm qua.
Một ví dụ điển hình về tác động của tình trạng bão di chuyển chậm, đó chính là cơn bão Harvey hồi năm 2017. Thay vì đi thẳng vào đất liền và suy yếu, bão Harvey đi chậm lại và quanh quẩn ở rìa đất liền phía đông bang Texas.
Hệ quả từ việc bão đi chậm dần và không lao vào đất liền dẫn tới những trận mưa lớn và gió quật mạnh do biển liên tục cấp năng lượng (hơi ẩm) cho bão. Thời điểm đó, thành phố Houston và các khu vực lân cận hầu như chìm trong những trận mưa xối xả và ngập lụt diện rộng.
Tốc độ di chuyển ghi nhận sự suy giảm mạnh mẽ nhất, lên tới 20% đối với những cơn bão hình thành trên biển Tây Bắc Thái Bình Dương và khu vực Đông Nam Á.
Ngay cả khi cô lập các phân tích về tốc độ bão trên đất liền, nơi tác động của những cơn gió và mưa là lớn nhất, Kossin nhận thấy, tốc độ của chúng thậm chí đang ngày càng chậm hơn. Cụ thể tốc độ di chuyển trên đất liền của những cơn bão trên biển Bắc Đại Tây Dương đã chậm tới 20% và Tây Bắc Thái Bình Dương thậm chí lên tới 30%.
Biến đổi khí hậu và những hệ quả nhãn tiền khi những cơn bão không còn tuân theo quy luật tự nhiên
Kossin cho rằng, tốc độ di chuyển suy giảm của những cơn bão có mối liên hệ rất lớn với biến đổi khí hậu. Những cơn bão (xoáy thuận nhiệt đới) hình thành trên các vùng biển ấm. Chúng tích lũy năng lượng từ hơi nước bốc lên từ bề mặt đại dương. Đặc điểm của môt xoáy thuận là áp suất thấp ở trung tâm, gió mạnh và cấu trúc mây dông dạng xoắn ốc chứa lượng ẩm lớn.
Chúng di chuyển từ biển vào đất liền không theo một quỹ đạo nhất định. Khi di chuyển vào đất liền, bão thường suy yếu rất nhanh vì bị chia cắt với nguồn cấp năng lượng. Đó là lý do tại sao vùng ven biển luôn là nơi phải hứng chịu những cơn gió mạnh và mưa lớn mỗi khi có bão đổ bộ. Ngay cả khi đi sâu vào đất liền, hoàn lưu sau bão cũng có thể gây mưa và lụt cục bộ.
Thế nhưng nếu như bầu khí quyển Trái Đất dần ấm lên, nó có thể cản trở những luồng gió tiếp cận đất liền với tốc độ cao. Ngoài ra, một bầu khí quyển nóng ẩm chứa nhiều hơi nước cũng sẽ làm tăng lượng mưa thực tế của một cơn bão.
Nghiên cứu trên của nhà khoa học Mỹ đã phần nào bổ sung thêm bằng chứng về tác động của biến đổi khí hậu với "hành vi" của bão nhiệt đới.
Trong năm 2014, Kossin phát hiện thấy những cơn bão đang dần đạt cường độ tối đa tại các khu vực nhiệt đới, đồng thời dần nâng mức độ ảnh hưởng rộng hơn. Những thay đổi này có thể đưa những cơn bão tới các khu vực ven biển đông dân cư mà trước đây chưa từng bị ảnh hưởng trực tiếp từ bão. Đây có thể là mối nguy hiểm lớn đối với các cộng đồng dân cư không có kinh nghiệm chống bão.
Một nghiên cứu khác của các nhà khoa học tại Trung tâm nghiên cứu khí quyển quốc gia sử dụng phương pháp mô hình hóa để xem liệu những cơn bão sẽ diễn biến như thế nào trong tương lai.
Họ sử dụng dữ liệu bão thu thập từ năm 2000-2013 nhằm dự đoán hành vi của những cơn bão, Kết quả cho thấy, những cơn bão có xu hướng di chuyển chậm lại 9%, tốc độ gió và lượng mưa cao hơn tới 24%.
Với đà nóng lên toàn cầu hiện nay và hiện tượng biến đổi khí hậu phức tạp, có lẽ những trận bão siêu lớn và thời tiết cực đoan sẽ còn tiếp diễn trong tương lai. Nếu cộng đồng dân cư tại các vùng "rốn bão" ở Đông Nam Á, Bắc Mỹ không sớm tìm ra những biện pháp chống lại hoặc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, họ sẽ chính là những người phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng nhất.