Những siêu bão khốc liệt nhất lịch sử Đại Tây Dương

Những cái tên như Carla, Hugo, Katrina, Miami... đã trở thành nỗi kinh hoàng đối với nhiều người. Đó là những siêu bão dữ dội nhất ở Đại Tây Dương từng được ghi nhận trong lịch sử.


Bão Carla, 1961:
Khởi đầu từ vùng áp thấp nhiệt đới ở biển Caribbean ngày 3/9/1961, Carla trở thành bão lớn, sau đó đổ bộ khu vực Port O'Connor và Port Lavaca ở bang Texas, Mỹ, với sức gió lên tới 280km/h. Đây là cơn bão dữ dội nhất ở Đại Tây Dương theo Chỉ số về sự khắc nghiệt của bão (SHI), hệ thống đo lường sức mạnh và sức phá hủy của các cơn bão. Carla gây ra 18 cơn lốc xoáy, khiến 46 người thiệt mạng và hơn 450 người bị thương, gây thiệt hại hơn 400 triệu USD, phá hủy gần 2.000 ngôi nhà ở Texas. (Ảnh: victoriaadvocate.com).


Bão Hugo, 1989:
Ký ức kinh hoàng về cơn bão 28 năm trước đến nay vẫn còn nguyên vẹn đối với người dân ở North Carolina, Mỹ. Với vận tốc gió 220km/h cuốn phăng nhà cửa cây cối ở Hemby Bridge, North Carolina, ngày 29/9/1989, trận bão cấp độ 5 khiến hơn 60 người chết. Ước tính thiệt hại lên tới 10 tỷ USD. "Tôi vẫn còn khắc ghi hình ảnh đường phố và cả thị trấn khi ấy trông như vùng chiến sự", Tommy Lawing Jr., một người dân ở North Carolina nhớ lại. (Ảnh: thoughtstipsandtales.com).


Bão Betsy, 1965:
Trận bão mạnh cấp 3 vào tháng 9/1965 đã tàn phá nghiêm trọng bang Florida và vùng Gulf Coast của nước Mỹ. Bão Betsy cướp đi sinh mạng của 81 người, gây thiệt hại 1,45 tỷ USD vào thời điểm đó. Betsy xếp thứ 3 trong danh sách các cơn bão dữ dội nhất ở Đại Tây Dương, theo chỉ số SHI. Là cơn bão đầu tiên gây thiệt hại kinh tế hơn 1 tỷ USD, Betsy còn có tên gọi là "Betsy 1 tỷ đô la". (Ảnh: AP).


Bão Camille, 1969:
Khắp khu vực phía tây Virginia và thung lũng Shenandoah của nước Mỹ, hai từ "bão Camille" đến nay vẫn gợi lên nỗi ám ảnh về "sự hủy diệt chưa từng có". Cơn bão được hình thành tại khu vực Vịnh Mexico này được xếp vào danh sách những cơn bão khủng khiếp nhất nước Mỹ trong thế kỷ 20, không chỉ bởi hậu quả của nó để lại mà còn bởi đường đi của bão lệch hoàn toàn so với những dự báo của chuyên gia. Ngày 17/8/1969, bão Camille mạnh cấp 5 đổ bộ với sức gió 305 km/h, sau đó càn quét các bang Mississippi, Tennessee, Kentucky, West Virginia và Virginia. Camille gây ra lượng mưa lớn đến 80mm, khiến 259 người thiệt mạng, trong đó có 3 người ở Cuba và tổng thiệt hại lên đến 1,42 tỷ USD. (Ảnh: NOAA).


Bão Katrina, 2005:
Ngày 29/8/2005, với sức gió mạnh 280km/h, Katrina ập vào New Orleans, Louisiana, mang theo các đợt sóng nước khổng lồ từ Vịnh Mexico tràn vào những con kênh và lòng hồ quanh thành phố. Khắp nơi ngập chìm trong nước lũ, chất thải, không nước sạch và điện, hệ thống đê điều tan hoang. Katrina trở thành cơn bão gây thiệt hại vật chất lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, ước tính lên đến 108 tỷ USD. Hàng triệu người ở bang Louisiana, Mississippi và Alabama mất nhà cửa cùng cơ nghiệp. Số người chết lên tới 1.800, bao gồm 1.500 người thiệt mạng ở New Orleans. (Ảnh: Không quân Mỹ).


Bão Opal, 1995:
Khởi điểm là một vùng áp thấp ở khu vực bờ biển phía tây châu Phi, bão Opal năm 1995 tiến qua khu vực Đại Tây Dương và Caribbean sau đó suy yếu khi đổ bộ vào vùng biển Pensacola, Florida. Bão gây ra thiệt hại lên đến 3 tỷ USD và khiến 59 người thiệt mạng, bao gồm 50 người ở Mexico và Guatemala. (Ảnh: Wikimedia Commons).


Bão Miami, 1926:
Miami hay "Great Miami" là cơn bão nhiệt đới mạnh cấp 4 đã tàn phá khu vực Bahamas và Gulf Coast của Mỹ vào tháng 9/1926 . Trận bão tồi tệ kéo dài 10 ngày, khiến khoảng 500 người chết và thiệt hại hơn 78 tỷ USD. (Ảnh: Florida Memory Project).


Bão Audrey, 1957:
Cuối tháng 6/1957, cơn bão mạnh cấp 4 đổ bộ và quét qua khu vực Gulf Coast, tàn phá dữ dội nhất ở Texas và Louisiana. Audrey cướp đi 500 sinh mạng và trở thành một trong những cơn bão gây thiệt mạng nhiều nhất trong lịch sử Mỹ. "Con số người chết cao như vậy là do bão cập bờ sớm hơn và mạnh hơn so với dự báo ban đầu. Hơn nữa, trận bão xảy ra vào thập niên mà tất cả các đài phát thanh và truyền hình đều ngừng phát sóng vào buổi tối, nên không có cách nào cảnh báo người dân sơ tán sớm hơn", bản tin của KPLC cho biết. Trong ảnh là khung cảnh hỗn loạn ở tổng đài của sở cánh sát tại Beaumont, Texas khi mà những cuộc gọi và tin nhắn liên tục ập đến tới tấp để xin trợ giúp. (Ảnh: chron.com).


Bão Fran, 1996:
Đây được xem là một trong những cơn bão tồi tệ nhất từng tấn công North Carolina. Cơn bão cấp 3 đổ bộ với sức gió 195km/h vào tháng 9/1996, khiến 24 người chết, gây thiệt hại 3,2 tỷ USD. (Ảnh: newsobserver.com).


Bão Wilma, 2005:
Người dân Mỹ chưa hết bàng hoàng vì bão Katrina vào tháng 8/2005 thì 2 tháng sau, Florida lại tiếp tục hứng chịu cơn bão mạnh cấp 5 Wilma. Hình thành trong vùng biển Caribbean vào tháng 10 và di chuyển về hướng tây nam, bão Wilma đạt sức gió 296km/giờ, đổ bộ vào khu vực hòn đảo Cozumel ở Mexico và tiếp tục di chuyển sâu vào đất liền. Wilma gây nên thiệt hại nặng nề nhất ở Florida, Mexico và Cuba. Cơn bão khiến 87 người chết, thiệt hại vật chất lên tới 29,4 tỷ USD. (Ảnh: The Palm Beach Post).


Bão Irma, 2017:
Đây là siêu bão mạnh nhất từng được ghi nhận trên Đại Tây Dương, khu vực ngoài vùng Caribe và Vịnh Mexico. Cơn bão mạnh cấp 5, với tốc độ gió lên đến hơn 290km/h, đổ bộ các hòn đảo phía bắc Caribe, khiến ít nhất 7 người thiệt mạng và gây thiệt hại vật chất nghiêm trọng. Irma làm tốc mái các tòa nhà, gây ngập lụt ở các hòn đảo Saint Barthelemy và Saint Martin thuộc Pháp, phá hủy hơn 90% công trình ở Barbuda. Bão đang di chuyển tới Puerto Rico, Cộng hòa Dominican, Haiti và Cuba trước khi đổ bộ Florida vào cuối tuần. (Ảnh: Getty).

Cập nhật: 08/09/2017 Theo Zing
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video