Bão số 7 sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới rồi mới đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ Thái Bình đến Nghệ An. Hoàn lưu bão gây ra đợt mưa rất lớn cho nhiều nơi ở Bắc Bộ.
Lúc 10h sáng 14/10, tâm bão số 7 nằm ngay trên vùng biển các tỉnh từ Thái Bình đến Nghệ An. Gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên trong bán kính 150km tính từ tâm bão. So với dự báo 24 giờ trước đó, bão đã giảm đi một cấp.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong 12 giờ tới, bão đi theo hướng tây với vận tốc 20 km/h, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Sau đó, hình thái này di chuyển vào đất liền các tỉnh từ Thái Bình đến Nghệ An.
Theo hình ảnh đường đi, tâm áp thấp nhiệt đới sẽ nằm ở Thanh Hóa lúc 20h. Sức gió mạnh nhất cấp 6, giật cấp 8. Lúc 22h ngày 14/10, tâm áp thấp nhiệt đới nằm trên khu vực biên giới Việt Nam - Lào và tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực thượng Lào.
Bão số 7 khả năng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trước khi vào đất liền nhưng vùng ảnh hưởng của hoàn lưu bão vẫn trải rộng. (Ảnh: Hệ thống giám sát thiên tai).
Ngày 14/10, đất liền các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Ảnh hưởng của bão kết hợp với không khí lạnh khiến mưa lớn xuất hiện tại nhiều nơi ở Bắc Bộ đến hết ngày 16/10.
Trọng tâm của mưa lớn nằm ở các tỉnh đồng bằng và ven biển Bắc Bộ. Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An cũng là tâm điểm của mưa đợt này. Tổng lượng mưa phổ biến 200-350 mm/đợt, có nơi trên 400 mm.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết mưa lớn kéo dài những ngày tới ở miền Bắc khiến lũ trên thượng lưu sông Mã (Thanh Hóa) lên mức báo động 1-2.
Tại sông Ngàn Sâu và Ngàn Phố (Hà Tĩnh), lũ có thể lên tới báo động 3. Lũ quét, sạt lở đất nguy cơ cao xảy ra ở nhiều tỉnh miền núi. Trong khi đó, Hà Nội và nhiều đô thị khác có khả năng bị ngập.
Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, đến 6h sáng nay, nhiều tỉnh nằm trong vùng ảnh hưởng của bão đã ra quyết định cấm biển, gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An.
Lực lượng chức năng các tỉnh từ Thái Bình đến Nghệ An đã lên phương án sơ tán hơn 150.000 dân trước thời điểm bão đổ bộ đất liền. Tính đến 6h sáng 14/10, các địa phương đã thông báo, kiểm đếm và hướng dẫn 31.000 phương tiện với hơn 115.000 lao động biết hướng đi của bão để di chuyển, thoát khỏi vùng nguy hiểm.
Cơ quan khí tượng cảnh báo vùng nguy hiểm trên vịnh Bắc Bộ nằm từ vĩ tuyến 17,5 đến vĩ tuyến 21 độ vĩ bắc. Hoàn lưu bão số 7 cũng gây gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 ở vùng biển vịnh Bắc Bộ. Biển động rất mạnh, sóng biển cao 2-4 m. Tại khu vực duyên hải các tỉnh từ Hải Phòng đến Thanh Hóa, nước biển có thể cao 0,5 m.