Nhiệt độ mặt biển của Đại Tây Dương tăng lên cao nhất trong gần 3.000 năm có thể khiến nhiều cơn bão mạnh xuất hiện và lượng mưa trên đất liền thay đổi.
Nhóm chuyên gia từ Đại học Massachusetts Amherst và Đại học Quebec theo dõi sự biến động của nhiệt độ trong khoảng 2.900 năm bằng cách nghiên cứu lõi trầm tích trên đảo Ellesmere (Quần đảo Bắc Cực thuộc Canada), kết hợp với dữ liệu băng và nhiệt kế. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences hôm 12/10.
Nhiệt độ Đại Tây Dương tăng cao trong vài thập kỷ qua. (Ảnh: Guillaume Bassem).
Đại Tây Dương trải qua quá trình tăng giảm nhiệt độ mặt biển theo chu kỳ gọi là Dao động đa thập kỷ Đại Tây Dương (AMO). Qua thời gian dài, AMO tỏ ra khá ổn định. Trong giai đoạn ấm, những cơn bão mạnh có thể xuất hiện nhiều hơn, giai đoạn lạnh thì ngược lại. Ngoài bão, các giai đoạn AMO còn ảnh hưởng tới nhiệt độ và lượng mưa ở những vùng đất rộng lớn xung quanh.
Các lõi trầm tích trên đảo Ellesmere giúp nhóm nghiên cứu tìm hiểu quá trình tăng giảm nhiệt độ của Đại Tây Dương. Nhiệt độ đã tăng ổn định từ mức đáy vào thế kỷ 15. Tuy nhiên, tốc độ và mức độ ấm lên trong vài thế kỷ qua cao chưa từng thấy. Thập kỷ vừa qua là thập kỷ nóng nhất từng ghi nhận của Đại Tây Dương trong 2.900 năm.
Nghiên cứu mới không nhằm xác định nguyên nhân nhiệt độ thay đổi. Những yếu tố tự nhiên có thể ảnh hưởng đến nhiệt độ, nhưng nhiều khả năng biến đổi khí hậu cũng là một nguyên nhân. Sự ấm lên là một đặc điểm của biến đổi khí hậu, nhất là ở các đại dương. Sóng nhiệt biển ngày càng trở nên phổ biến và dữ dội. Nghiên cứu trên tạp chí Nature Climate Change tháng trước cho thấy, nhiệt độ tăng đang khiến đại dương phân tầng. Băng biển Bắc Cực cũng giảm xuống mức ít thứ hai lịch sử trong tháng 9.
Nhiệt độ Đại Tây Dương tăng khiến các nhà khoa học lo ngại về sự thay đổi của lượng mưa, nhất là ở những nơi nông nghiệp phụ thuộc vào nước mưa. Ngoài ra, biển ấm lên cũng dẫn đến nguy cơ nhiều cơn bão dữ dội hơn sẽ xuất hiện.