Bảo vật quốc gia nghìn năm tuổi của Trung Quốc có nguồn gốc từ Việt Nam: Vật phẩm cực hiếm!

Nhiều người Trung Quốc không biết rằng, bảo vật quốc gia nặng 10 tấn đang được trưng bày ở nước này có ngọn nguồn từ Việt Nam.

Bảo vật quốc gia Trung Quốc

"Tìm văn vật trên mặt đất, hãy đến Sơn Tây; kiếm các di vật dưới lòng đất, thì tới Thiểm Tây", với người Trung Quốc, sẽ không ngoa khi nói rằng, nếu đào một cái hố ở bất kỳ nơi nào của Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây - cố đô của mười ba triều đại Trung Quốc, thì cũng có thể tìm được vài viên gạch thời Hán hay viên ngói thời Tần vô cùng giá trị. Rừng bia đá dưới chân tường thành cổ ở Tây An chính là nơi quy tụ vô số báu vật như thế!

Tại Bảo tàng Rừng bia Tây An có một phòng nghệ thuật điêu khắc đá hiện đang lưu giữ tượng điêu khắc tê giác đá nặng 10 tấn, được xếp vào danh sách bảo vật quốc gia Trung Quốc.

Theo tờ Báo buổi tối Tây An (thuộc quản lý Thành ủy Tây An), bức tượng được gọi là tượng điêu khắc tê giác đá Hiến Lăng, thiết kế từ đá xanh được sản xuất ở vùng Phú Bình, tỉnh Thiểm Tây, dài 340 cm, cao 209 cm, hình dáng to lớn cứng cáp, đường nét rõ ràng và tỷ lệ hợp lý. Nếu nhìn từ góc rộng, trông tượng điêu khắc càng sinh động mạnh mẽ, rất thích hợp đặt trước lăng mộ ở nơi hoang vu.

Hiến Lăng là lăng mộ của Lý Uyên, vị hoàng đế sáng lập triều đại nhà Đường, nằm ở huyện Tam Nguyên, tỉnh Thiểm Tây. Trong số các tượng điêu khắc bằng đá đặt trước lăng có một đôi tê giác đá, năm 1959, một trong số chúng được chuyển đến Bảo tàng tỉnh Thiểm Tây, nay là Phòng Triển lãm Nghệ thuật Khắc đá của Bảo tàng Rừng bia Tây An.


Tê giác đá Hiến Lăng. (Ảnh: Báo buổi tối Tây An).

Con tê giác đá ngậm miệng, trên mũi có một chiếc sừng nhô ra như một u thịt. Bàn chân có ba ngón và ở tư thế bước bộ. Kỹ thuật điêu khắc của bức tượng không theo đuổi sự cầu kỳ nhưng nắm bắt các đặc điểm của tê giác, chẳng hạn như da dày chảy xệ dưới cổ, thân hình và dáng điệu nặng nề.

"Bức tượng tê giác đá không chỉ là kiệt tác nghệ thuật duy nhất có đề tài là tê giác đặt trước 18 khu lăng tẩm thời nhà Đường mà còn là hàng hiếm trong nghệ thuật điêu khắc đá ở lăng mộ quốc gia", báo Trung Quốc viết.

Với tê giác đá Hiến Lăng, trên bệ dưới móng guốc phía trước bên phải có khắc sáu chữ "Cao tổ hoài viễn chi đức", mang ý nghĩa ca ngợi công đức của Đường Cao Tổ Lý Uyên.

Tục sử dụng tê giác để thể hiện uy quyền đã có từ thời Tây Hán. Vào thời Hán Bình Đế, khi Vương Mãng phụ chính, ông đã vận động nhà vua nước Hoàng Chi, nay là vùng Kancheepuram (Ấn Độ) cống tê giác sống cho nhà Tây Hán. Có thể thấy rằng vào cuối thời Tây Hán, tê giác ít nhất đã biến mất ở Quan Trung (miền Bắc Trung Quốc). Nếu không, việc Vương Mãng vận động vua nước Hoàng Chi cống tê giác sẽ làm mất đi ý nghĩa thiết thực của việc ông ta khoe khoang uy đức của hoàng tộc Hán, chứ chưa nói đến mục đích tạo dựng tên tuổi cho bản thân.

Tê giác đá trong lăng mộ của hoàng đế Trung Quốc cũng chứa đựng ý nghĩa này. Theo Báo buổi tối Tây An, u thịt tròn trên mũi của tê giác đá Hiến Lăng cho thấy đây là loài tê giác, hiện đã tuyệt chủng, có nguồn gốc từ Đông Nam Á, cụ thể hơn chính là từ Việt Nam.

Có nguồn gốc từ Việt Nam

Trong tác phẩm Tân Đường thư (Trung Quốc) chép rằng, vào đầu những năm Trinh Quán, nước Lâm Ấp (nay thuộc miền Trung Việt Nam) cống tê giác sống cho nhà Đường và Đường Cao Tổ Lý Uyên rất yêu thích cống phẩm này. Đến năm Trinh Quán thứ 9, Lý Uyên Qua đời, Đường Thái Tông Lý Thế Dân đã ra lệnh cho thợ thủ công dựa theo hình dáng tế giác do Lâm Ấp tiến cống, để điêu khắc nên một đôi tê giác đá, đặt trước Hiến Lăng, tỏ lòng hiếu đạo.

Trong suốt thời nhà Đường, rất ít cơ hội để nhìn thấy tê giác sống ở vùng đồng bằng, thỉnh thoảng có một hoặc hai con tê giác sống ở kinh đô do nước ngoài triều cống. Vì vậy, các đồ thủ công mỹ nghệ có chủ đề là tê giác trong thời nhà Đường không được sinh động cho lắm.

Chỉ có những con tê giác đá ở Hiến Lăng là được chạm khắc rất chân thực, điều này cho thấy khi những người thợ thủ công chạm khắc những con tê giác đá trước lăng mộ Đường Cao Tổ, họ chắc hẳn đã tận mắt nhìn thấy những con tê giác đó.

Báo Trung Quốc nhận định, tê giác đá ở Hiến Lăng không chỉ thể hiện uy đức dũng mãnh của hoàng đế nhà Đường khi sinh thời mà còn trở thành vật phẩm phản ánh sự giao lưu văn hóa giữa Trung Quốc và nước ngoài thời xa xưa. Từ vẻ ngoài tưởng chừng chậm chạp của loài tê giác, người xem có thể cảm nhận được sự hung dữ, dũng mãnh, đồ sộ và khí thế hừng hực bên trong của nó. Dù khắc họa thú tính nhưng lại không khiến người ta sợ, trái lại thu hút sự yêu mến. Đó là một vật phẩm nghệ thuật quý giá hiếm có.

Cập nhật: 11/05/2022 Theo Trí Thức Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video