Bảo vật văn hóa Việt nay chỉ còn 1 di tích rất quen thuộc bên hồ Gươm: Báo Ân và Báo Thiên

Đất Thăng Long xưa nổi tiếng với những ngôi chùa mang dấu ấn văn hoá - lịch sử, tạo nên một nét rất riêng cho mảnh đất ngàn năm văn vật này. Tuy nhiên do chiến tranh, nhiều di tích, chùa chiền bị phá huỷ hoặc không còn nguyên vẹn. Chùa Báo Ân và chùa Báo Thiên là hai ngôi chùa lớn, hoành tráng vào bậc nhất của đất Kinh Kỳ vào thế kỷ XIX.

Nhưng đáng tiếc thay, cả hai ngôi chùa đều đã bị phá huỷ trong chiến tranh. Dù vậy, đối với những người dân thủ đô, thì hai ngôi chùa ấy vẫn còn mãi trong lòng họ.

Chùa Báo Ân: Vị trí đắc địa phong thủy

Chùa Báo Ân là một ngôi chùa lớn nhất của miền Bắc vào thế kỷ XIX, với kiến trúc độc đáo chùa được xem là tiêu biểu cho cho dòng tư tưởng "cư Nho mộ Thích" (học hành theo đạo Nho nhưng vẫn chuộng theo đạo Phật) thời nhà Nguyễn. Chùa được xây dựng vào thời vua Thiệu Trị (1841 - 1847) do Tổng đốc Nguyễn Đăng Giai đứng ra chủ trì, quyên tiền xây dựng. Chùa được xây trên khu đất rộng gần 100 mẫu ở bờ đông hồ Gươm.

Khu này xưa là Lầu Ngũ Long (1)của chúa Trịnh Doanh (1740-1767), thuộc thôn Cựu Lâu, huyện Thọ Xương, nằm cạnh hồ Hoàn Kiếm. Mặt trước của chùa Báo Ân hướng ra sông hồng, mặt sau tựa lưng vào hồ Gươm. Bao quanh chùa là hào nước trồng toàn sen nên có nhiều người gọi chùa Báo Ân là chùa Liên Trì (chùa Ao Sen).


Tranh Chùa Báo Ân được vẽ lại từ ảnh của bác sĩ Hocquard, 1888. (Nguồn: Chùa Xá Lợi)

Có thể nói chùa Báo Ân được lựa chọn xây dựng trên một vị trí mà những người tìm hiểu về phong thủy sẽ gọi là đắc địa khi nơi đây hội tụ đầy đủ yếu tố của gió (phong) và nước (thuỷ). Vị trí như vậy thường được địa lý phong thuỷ mô tả là "Tả thanh long hữu bạch hổ chu tước huyền vũ".


Lối vào chùa Báo Ân và toà tháp Hoà Phong. Ảnh chụp năm 1885. (Nguồn: Cổng thông tin Phật giáo)

Chùa Báo Ân được xây với quy mô lớn, gồm 180 gian, 36 nóc nhà, xung quanh có xây tường lục giác bao bọc. Ngoài kiến trúc cầu kỳ, chùa còn sở hữu một khối lượng tượng lớn. Đáng chú ý, các tượng tại chùa đều được sơn son thếp vàng; thậm chí nơi đây còn có nhiều bức được khảm xà cừ vô cùng tỉ mỉ và sinh động.

Theo tư liệu còn lại cho đến nay, lối vào chùa Báo Ân bắt đầu từ con đường ven hồ phía Đông, dẫn vào có tháp Hòa Phong rồi đến cổng chùa. Băng qua chiếc cầu đúc lát gạch đền lầu Hộ Pháp (Tam Quan) cao hai tầng. Hai bên của Tam Quan được dựng 4 bảo tháp đối xứng cao 3 tầng rất mĩ thuật và khéo léo. Đi sâu hơn vào bên trong là điện Đại Hùng, được bài trí rất nhiều pho tượng Phật, Bồ-tát chạm khắc bằng gỗ sơn son thếp vàng tuyệt đẹp và quý hiếm. Tiếp đến là điện Thánh, Tăng xá, tri đường… Bao quanh có trường lang bố trí cảnh "Thập Điện Minh Vương", mô tả cảnh khổ hình tại 10 tầng địa ngục dành cho những kẻ có tội phải chịu ở thế giới bên kia, được đánh giá là rất sinh động. Cũng chính bởi bố trí của trường lang này mà người Pháp gọi chùa Báo Ân là chùa Khổ Hình - Pagode des Supplices.


Cổng chùa Báo Ân năm 1885. (Nguồn: Tư liệu sưu tầm).

Bác sĩ Hocquard, người đã chụp nhiều bức ảnh về chùa Báo Ân, đã ghi chép chi tiết về chùa Báo Ân như sau: "Từ xa, tầm mắt khách thập phương đã bị những cái tháp chuông, cột trụ, tiểu tháp thu hút. Bước vào chánh điện, quy mô rộng lớn, giữa những hàng cột vàng son lộng lẫy, có đến trên hai trăm pho tượng thần Phật sắp hàng. Chính giữa là bàn thờ Đức Phật Thích Ca, cao 1m50, dát vàng từ đầu đến chân, ngồi trên tòa sen, đôi mắt lim dim nhìn xuống lòng bàn tay đặt ngửa trên đầu gối. Hai đại đệ tử đứng hầu hai bên…"


Khung cảnh nhìn từ cổng trong chùa Báo Ân, 1885. (Nguồn: Tư liệu sưu tầm)

Chùa Báo Thiên: Một trong "An Nam Tứ Đại Khí"

Chùa Báo Thiên có tên đầy đủ là "Sùng Khánh Báo Thiên Tự" là một ngôi chùa cổ lớn, nguy nga và tráng lệ bậc nhất trong lịch sử Việt Nam. Theo mô tả xưa, chùa Báo Thiên được xây dựng tại thôn Tiên Thị, huyện Thọ Xương (xưa gọi là phường Báo Thiên), gần hồ Lục Thuỷ (hồ Gươm ngày nay), bên ngoài thành Thăng Long.

Khác với chùa Báo Ân, chùa Báo Thiên được xây dựng từ rất sớm, từ khoảng năm 1056 dưới thời vua Lý Thánh Tông (1054 – 1071). Đây là thời kỳ Phật giáo đang hưng thịnh ở nước ta. Tại thời kỳ này, nhà Lý coi Phật giáo như là quốc giáo, nên kiến trúc của chùa được đánh giá là đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật thời Lý.


Ảnh minh hoạ tháp Báo Thiên – Một trong An Nam tứ đại khí.

Mô tả xưa còn nói chùa có Tháp Báo Thiên, là một trong An Nam tứ đại khí (2) của nước Việt thuở xưa. Vào năm Long Thụy Thái Bình thứ 4 (tức năm 1057), Hoàng đế Lý Thánh Tông đã cho đúc một quả đại hồng chung (3) nặng một vạn hai ngàn cân ta (tức 7.260 kg) đặt trong chùa.

Theo tư liệu, Tháp Báo Thiên cao 12 tầng (khoảng 80 mét), bảo tháp có tên đầy đủ là tên là Đại Thắng Tư Thiên Bảo Tháp. Bên trong được trang trí nhiều tượng bằng đá tinh xảo, chóp tháp được làm bằng đồng rất mĩ thuật.

Đáng tiếc là vào năm 1426 (một số tài liệu ghi năm 1427), quân Minh khi bị vây hãm ở thành Đông Quan, chúng đã cho nấu chảy nhiều bảo vật bằng đồng quý giá, trong đó có cả Đại Hồng Chung và phần chóp của Tháp Bảo Thiên, để làm vũ khí để chống lại nghĩa quân Lam Sơn.

Đến năm 1443, vua Lê Thái Tông đại trùng tu chùa; riêng tháp Báo Thiên bị phá đã được tôn cao bằng một đàn tràng mà ở nơi bây giờ là Nhà thờ Lớn Hà Nội. Từ thời Lê Thái Tông tới thế kỷ XIX, chùa Báo Thiên là nơi diễn ra những nghi lễ Phật giáo cầu cho mưa thuận gió hoà, quốc thái dân an.

Sách Đại Nam nhất thống chí (4) có viết, năm 1849 tổng đốc Hà Ninh Tôn Thất Bật đã cho tu sửa lại chùa. Theo sách Non nước Hà Nội của tác giả Quảng Văn, gần cuối thế kỷ XIX, chùa Báo Thiên bị một trận hỏa hoạn lớn tiêu rụi nhiều công trình, các nhà sư tu hành phải di dời sang nơi khác, bỏ lại chùa Báo Thiên hoang phế.

Gần như không còn lại dấu tích


Tháp Hoà Phong ngày nay.

Nguy nga, tráng lệ vào bậc nhất của kinh đô Thăng Long xưa nhưng hai ngôi chùa này không tồn tại được tới ngày nay. Chùa Báo Ân và chùa Báo Thiên được cho là đều bị thực dân Pháp phá huỷ và tới nay hầu như không còn lại dấu tích nào.

Chùa Báo Ân bị nằm trong quy hoạch nhằm biến Hà Nội thành một "nước Pháp nhỏ của Viễn Đông". Chùa bị phá huỷ hoàn toàn, các pho tượng Phật đẹp nhất bị Công sứ Bonnal đem về Pháp. Hiện tại chỉ còn sót lại 1 ngôi tháp Hòa Phong bên Hồ Gươm, là dấu tích duy nhất minh chứng cho sự tồn tại của chùa Báo Ân.

Chùa Báo Thiên cũng chịu chung số phận tương tự. Năm 1883, theo yêu cầu của Công sứ Bonnal, kinh lược Bắc Kỳ là tổng đốc Nguyễn Hữu Độ đã giao khu đất chùa này cho Giám mục Puginier phá dỡ những phần còn lại để xây Nhà thờ Lớn Hà Nội. Ngày nay dấu tích của chùa Báo Thiên chỉ còn lại một ngôi giếng đá cổ, có chạm khắc hình hoa sen. Năm 2005 giếng cổ được khai quật và di chuyển vào khu vực hang đá Đức Mẹ bên trong khuôn viên nhà thờ.

Chú thích:

(1) Lầu Ngũ Long: Lầu ở vị trí ngoài cửa Tuyên Vũ của phủ chúa Trịnh (nay là Bưu điện Hà Nội), là nơi nghỉ mát của chúa Trịnh.

(2) An Nam tứ đại khí: Là bốn kỳ quan, bốn vật quốc bảo và là bốn công trình nghệ thuật bằng đồng của văn hóa thời Lý, Trần; bao gồm: Tượng Phật chùa Quỳnh Lâm (Chùa Quỳnh Lâm, Đông Triều, Quảng Ninh), Tháp Báo Thiên ở Thăng Long (Hà Nội), Chuông Quy Điền (chuông ruộng rùa) ở chùa Diên Hựu (chùa Một Cột), Hà Nội, Vạc Phổ Minh ở chùa Phổ Minh, Thiên Trường (Nam Định).

(3) Đại Nam nhất thống chí: Bộ sách dư địa chí (địa lý - lịch sử) Việt Nam, viết bằng chữ Hán do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn thời vua Tự Đức. Có thể coi đây là bộ sách lớn nhất và quan trọng nhất về địa chí Việt Nam dưới thời phong kiến.

(4) Đại hồng chung: Còn gọi là chuông, là một pháp khí linh thiêng không thể thiếu của mỗi chùa.

Cập nhật: 31/05/2022 Tổ Quốc
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video