Theo Science Alert, các kết quả cho thấy mối tương quan giữa lượng mưa tăng và dân số tăng trong khu vực sinh sống của người Maya trên bán đảo Yucatan. Ngược lại, có những dấu hiệu suy tàn đáng kể về dân số và chất lượng sống trong nhưng năm 1400 - 1450 sau Công Nguyên, giai đoạn liên kết mật thiết với sự sụp đổ về mặt chính trị.
Nguyên nhân đế chế sụp đổ, đơn giản, khốc liệt: Hạn hán, dẫn đến một chuỗi phản ứng dây chuyền nghiêm trọng trong xã hội.
Một đô thành bị bỏ hoang của người Maya - (Ảnh: ANCIENT ORGINS)
Theo Ancient Origins, các kết quả đến từ cuộc nghiên cứu quy mô lớn của một nhóm khoa học gia từ Mỹ, Canada, Mexico, Đức, Úc, Anh, dẫn đầu bởi nhà nhân chủng học Douglas Kennett từ Đại học California ở Santa Barbara - Mỹ.
Điều gây chú ý nhất trong các bước nghiên cứu là các bộ hài cốt "bị hư hỏng" trong thời kỳ cuối của đế chế. Những người này chết với thương tổn nặng nề trên cơ thể, cho thấy cuộc sống của họ đã không còn yên ổn như thời kỳ trước.
Dấu vết trên các bộ hài cốt thông qua các thời kỳ cũng là nguồn dữ liệu tuyệt vời cho thấy con người từng thời đã ăn uống như thế nào, sức khỏe ra sao.
Tổng hợp lại, các bộ hài cốt chỉ ra hạn hán đi kèm với sự gia tăng xung đột và bạo lực. Có vẻ như chiến tranh ngày càng phổ biến, mà nguyên nhân là thiếu hụt lượng mưa dẫn đến mất an ninh lương thực nghiêm trọng.
"Tác động của lượng mưa đối với sản xuất lương thực có thể liên hệ chặt chẽ với sự di cư, sự suy giảm dân số, chiến tranh và thay đổi quyền lực chính trị" - các tác giả viết trong bài công bố trên tờ Nature Communications.
Một số nghiên cứu trước đây cũng đã thiết lập mối liên hệ giữa các giai đoạn suy thoái của đế chế liên quan đến các giai đoạn thời tiết không thuận lợi trong thời kỳ Cổ điển của văn minh Maya.
Với đế chế Maya những năm 1400-1450, dân số đã lên tới mức khổng lồ, kéo theo nhu cầu khổng lồ tương đương về mọi mặt của đời sống, nên tác động dây chuyền của hạn hán đã lên tới mức hủy diệt.
Kết quả là sự phá hủy hoàn toàn những đô thành hùng mạnh một thời song song với sự sụp đổ của nền nông nghiệp.
Những người dân sống sót đã di cư đến các thị trấn nhỏ hơn để vượt qua cơn bão khí hậu. Họ đã không bao giờ có cơ hội trở lại khôi phục đế chế vì sau đó người Tây Ban Nha đã chinh phục vùng Yucatan từ thế kỷ 16, dập tắt những ngọn lửa sau cùng.
Theo các nhà nghiên cứu, phát hiện này còn như một lời cảnh báo đến thế giới hiện tại, nơi mà biến đổi khí hậu - chủ yếu do chúng ta tự tay tạo nên - và nhiều yếu tố khác đang dẫn đến mất an ninh lương thực ở nhiều nơi.