Bất ngờ sáng chế sinh viên

Trái với không khí vắng lặng của sân trường ĐH những ngày giáp tết, phòng thí nghiệm mở của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM nằm tận trong góc sâu vẫn tấp nập người ra vào. Nơi đây trở thành “căn cứ” để các kỹ sư cơ điện tử tương lai tập tành nghiên cứu, chế tạo các loại máy. Họ sống ở đây suốt 24 giờ mỗi ngày, kể cả thứ bảy hay ngày lễ để chờ những chiếc máy do sinh viên chế tạo chào đời.


Chiếc máy bán hàng thanh toán bằng nhiều phương thức, màn
hình cảm ứng do sinh viên chế tạo chỉ có giá vài triệu đồng.

Phòng thí nghiệm 24/7

Trúng rồi, máy chạy ngon lành rồi”, sau tiếng thông báo của cậu sinh viên, cả 5 thầy trò đang ngủ cùng bật dậy chạy vội đến chiếc máy bán hàng tự động có thể thanh toán bằng nhiều cách. Cho một tờ tiền giấy vào máy, chọn thức uống và hồi hộp chờ đợi. Chưa đầy 1 phút, lon nước từ từ chạy ra cùng với phần tiền dư. Như để tin chắc chắn vào chiếc máy, họ tiếp tục điều khiển trên màn hình cảm ứng nhỏ xíu và liên tục thử với tiền xu, thẻ thanh toán thông minh… Đến khi chiếc máy hiểu và đáp ứng hết câu lệnh, không một lần sai sót thì trời bên ngoài cũng đã hừng sáng. Cả thầy và trò đều quên hẳn việc trở lại giường ngủ, thay vào đó, niềm quan tâm duy nhất lúc này là chiếc máy thử nghiệm ròng rã suốt 5 tháng trời đã hoàn thành.

Nhóm sinh viên năm cuối của bộ môn Cơ điện tử thuộc Khoa Cơ khí chế tạo máy Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM vẫn chưa quên giây phút chiếc máy bán hàng tự động thanh toán bằng nhiều phương thức thử nghiệm thành công. Với đề tài này, lần đầu tiên máy bán hàng tự động ở Việt Nam điều khiển bằng màn hình cảm ứng, giúp tiện lợi thao tác, quảng cáo trên màn hình. Ưu điểm so với phiên bản trước đây (cũng của sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật), máy có khả năng bán nhiều sản phẩm với hơn 34 loại thức ăn uống. Máy có khả năng nhận và thối tiền giấy hay thanh toán bằng thẻ thông minh tiện lợi, thay thế cho chiếc máy cũ chỉ thanh toán bằng tiền xu bất tiện.

Bạn Nguyễn Tấn Nó, nhóm trưởng, nhớ lại: “Thấy chiếc máy bán hàng bỏ ngoài đường như đống sắt vụn, không ai sử dụng vì tiền xu bất tiện, mình và nhóm bạn nghĩ ra máy cần phải có nhiều cách thanh toán tiện lợi hơn thì người ta mới mua”. Nghĩ là làm, nhóm trình bày ý tưởng với TS Nguyễn Trường Thịnh, Trưởng bộ môn Cơ điện tử và nhận được sự ủng hộ và hướng dẫn. 4 bạn trẻ bắt đầu mua sắt thép về thiết kế, chế tạo thành máy bán hàng, rồi bắt đầu nghiên cứu nguyên lý điều khiển.

Suốt 5 tháng trời, ngày nào nhóm cũng có mặt ở phòng thí nghiệm từ 6-7 giờ sáng đến tận 10 giờ đêm mới về. Riêng những ngày cao điểm cho máy chạy thử phải ngủ lại. Cái khó lớn nhất của máy chính là điều khiển bằng màn hình cảm ứng nên bài toán khó nhất là viết chương trình kết nối tạo sự “thấu hiểu”, tương thích giữa bộ não điều khiển với hành động của chiếc máy. Chế tạo xong máy, bắt máy chạy thử. Máy chạy ngon lành thì lại nghĩ đến giao diện, tính thẩm mỹ cho những phiên bản tiếp theo… Khi chiếc máy chuẩn bị hoàn thiện cũng là lúc nhóm nhận được tin vui khi có đơn vị đặt hàng với điều kiện máy phải thông minh và rẻ hơn giá máy nhập ngoại nhiều lần. Cả nhóm lại miệt mài bắt tay chinh phục thử thách mới.

Tiếp chúng tôi tại phòng thí nghiệm mở, TS Nguyễn Trường Thịnh khoe: "Sinh viên vốn có nhiều ý tưởng sáng chế rất hay, thiết thực, gần gũi với nhu cầu cuộc sống như chiếc máy giặt tự động thanh toán bằng tiền xu, robot điều khiển giao thông, robot biết chào hỏi khách… Trong những nhóm sinh viên nghiên cứu, có những em quê chỉ ở Đồng Tháp, Quảng Ngãi mà cả năm chưa về thăm nhà”. Họ quên về nhà để những “tham vọng” về chiếc máy uốn cong sắt thép bằng từ trường để thay thế sức người trong ngành công nghiệp đóng tàu thành hình từng ngày…

Những sáng chế... rẻ bèo

TS Võ Viết Cường, Trưởng phòng Quản lý khoa học Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM cho biết: Sinh viên được tạo môi trường nghiên cứu khoa học từ năm 3, giúp các em có cơ hội ứng dụng kiến thức đã học và giữ lửa với đam mê nghiên cứu, chế tạo. Hoạt động nghiên cứu khoa học giúp sinh viên có cơ hội biến ý tưởng thành hiện thực, làm ra những chiếc máy, robot ứng dụng trong thực tế mà giá thành lại rẻ hơn thị trường rất nhiều. Chỉ khoảng 500.000 đồng đến 1 triệu đồng, sinh viên đã có thể làm ra những chiếc máy, robot hiệu quả. Từ ý tưởng robot thay thế con người giám sát và điều khiển những hệ thống trên cao, hàng trăm sinh viên của trường đã làm ra những con robot leo dây nhanh chóng, đến những chiếc máy giặt tự động bằng tiền xu chỉ tốn vài trăm ngàn đồng.

Dẫn chúng tôi đi xem những chiếc máy của sinh viên, TS Nguyễn Trường Thịnh chia sẻ: Tất cả những ý tưởng nghiên cứu đều bắt nguồn từ nhu cầu thực tế nhưng phải đáp ứng tiêu chí 3 trong 1 rất sinh viên: rẻ - đẹp - bền. Những ý tưởng trên bắt đầu xuất hiện khi thầy và trò có tham vọng đập tan quan niệm robot là sắt thép bằng cái nhìn “mềm hóa” về robot. Ý tưởng làm nên những con robot phỏng sinh vừa có hình dáng đẹp, mô phỏng những sinh vật có thật lại có tính ứng dụng cao ra đời. Cũng xuất phát từ những ý tưởng không giống ai, thầy Nguyễn Trường Thịnh cùng nhóm sinh viên thực hiện những con robot hình cá dùng để nghiên cứu dưới nước, lặn ở những độ sâu con người khó tới cũng chỉ với vài triệu đồng để nghiên cứu, chế tạo.

Theo SGGP
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video