Bầu trời đỏ rực ở Philippines trước khi siêu bão đổ bộ được giải thích thế nào?

Trước khi siêu bão Usagi đổ bộ, bầu trời ở Philippines có màu đỏ sẫm hoặc hồng rực rất lạ, trông như thể được tô màu. Trời lặng gió, không gian rất tĩnh lặng trước cơn bão. Đây là hiện tượng gì và được giải thích thế nào?

Bão Usagi (ở Philippines gọi là bão Ofel) mạnh đỉnh điểm vào sáng 14/11, khi nó là siêu bão với sức gió duy trì là 185 km/h (cấp 16), gió giật 230 - 240 km/h (trên cấp 17), theo cơ quan khí tượng Philippines (PAGASA).

Đến trưa, nó giảm cường độ một chút, sức gió còn 175 km/h (cấp 15) trước khi đổ bộ vào thành phố Baggao (tỉnh Cagayan, Philippines) lúc 1h30’ (giờ địa phương, là 12h30’ trưa 14/11, theo giờ Việt Nam). Đây là cơn bão thứ 5 ảnh hưởng đến Philippines chỉ trong vòng 3 tuần.

Trước khi bão đổ bộ, các nhà chức trách đã vội vã sơ tán hàng ngàn người dân ở các khu vực bờ biển. Ở nhiều nơi, việc sơ tán là bắt buộc.


Lực lượng Phòng vệ Biển Philippines giúp sơ tán người dân ở tỉnh Cagayan vào sáng 14/11, trước khi siêu bão Usagi đổ bộ. (Ảnh: Lực lượng Phòng vệ Biển Philippines/ AFP).

Trong khi còn chưa có nhiều hình ảnh ở thời điểm bão đổ bộ (trong những cơn bão mạnh, thời tiết rất xấu và nguy hiểm nên đôi khi không thể có hình ảnh ngay), một số người ở Philippines đã đăng ảnh “sự yên ắng trước cơn bão”.

Ở thành phố Ocampo, tỉnh Camarines Sur, bầu trời lúc bình minh (khoảng 5h30’ sáng 14/11) có màu hồng lạ mắt. Còn ở tỉnh Albay, bầu trời lại đỏ rực trông khá đáng sợ.


Bầu trời màu đỏ rực ở khu vực núi lửa Mayon (tỉnh Albay, Philippines) vào sáng 14/11. (Ảnh: Nino Adonis Rebeta).

Theo trang Hệ thống Thời tiết Philippines và mục Thời tiết của kênh Click Orlando, một số chuyên gia giải thích, hiện tượng “bầu trời đỏ” này cho biết trong không khí có bụi và nhiều hơi nước. Nói một cách đơn giản, chúng ta nhìn thấy bầu trời màu đỏ vì màu đỏ có bước sóng dài hơn, vào lúc bình minh và hoàng hôn, khi Mặt trời ở khá thấp thì bước sóng dài này đi được xa hơn, xuyên qua những bụi, khói và hạt nước li ti, còn những bước sóng ngắn hơn, như xanh da trời, bị phân tán.

Hiện tượng "bầu trời đỏ" (đôi khi là màu hồng) thường báo hiệu sắp có mưa hoặc thời tiết cực đoan (trong không khí nhiều hơi ẩm). Cho nên ở nước ta cũng hay nói “ráng đỏ thì mưa” là vì vậy.


Bầu trời màu hồng ở Ocampo (tỉnh Camarines Sur, Philippines) vào sáng 14/11. (Ảnh: Emm Suarez).

Ngoài ra, do bão hút không khí ấm và ẩm nên bên ngoài cơn bão, không khí khá khô ráo, trời lặng gió. Động vật thường cảm nhận được điều này nên cũng tìm nơi trú ẩn, giảm hoạt động và không phát ra nhiều âm thanh, khiến cả không gian tĩnh lặng.

Cập nhật: 15/11/2024 hoahoctro.tienphong
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video