Hiện tượng bầu trời Đông Á đỏ rực suốt 9 ngày năm 1770

Các nhà khoa học cho rằng, hiện tượng này có thể do một cơn bão Mặt Trời mạnh nhất lịch sử gây ra.

Năm 1770, khu vực Đông Á gồm một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên và bờ biển phía đông Trung Quốc xảy ra hiện tượng bầu trời bị nhuộm đỏ kéo dài suốt nhiều ngày, theo Business Insider. Các nhà khoa học biết đến hiện tượng này nhờ một số ghi chép hiếm còn tồn tại đến ngày nay.


Một số nước khu vực Đông Á từng chìm trong ánh sáng đỏ kéo dài nhiều ngày. (Ảnh: Business Insider).

Nguyên nhân khiến bầu trời chuyển màu đỏ rực vẫn là một bí ẩn cho đến khi thiên văn học hiện đại phát triển và hiểu thêm về cực quang. Theo đó, một cơn bão từ do hoạt động của Mặt Trời có thể đã tác động đến khí quyển Trái Đất, gây ra hiện tượng kỳ lạ này.

Các phát hiện mới cho thấy, hiện tượng xảy ra năm 1770 có quy mô lớn hơn nhiều những gì các nhà khoa học từng nghĩ. Một nhóm nghiên cứu đến từ Nhật Bản tìm ra 111 tài liệu lịch sử Đông Á chỉ ra, bầu trời khi đó bị nhuộm đỏ suốt 9 ngày, từ 10 - 19/9/1770, chứ không chỉ hai ngày như quan điểm trước đây. Đây có thể là cơn bão địa từ dài nhất lịch sử, vùng trời chịu ảnh hưởng cũng lớn gấp đôi so với ước tính ban đầu của các nhà sử học.

Cực quang hình thành do các hạt mang điện tương tác với tầng khí quyển trên cao của Trái Đất. Khi lóa Mặt Trời hoặc hiện tượng tương tự xảy ra, Mặt Trời giải phóng các hạt mang điện vào không gian. Những hạt mang điện va chạm và kích thích oxy và nitơ trong khí quyển Trái Đất. Khi các khí này trở về trạng thái bình thường, chúng giải phóng năng lượng thừa dưới dạng ánh sáng màu.

Cực quang có thể xuất hiện dưới nhiều hình dạng và màu sắc khác nhau. Các nhà khoa học chưa rõ yếu tố chính xác quyết định hình dạng và kích thước ánh sáng, nhưng họ cho rằng chúng chuyển động theo từ trường Trái Đất.


Bắc cực quang xuất hiện ở Reykjavik, Iceland tháng 10/2017. (Video: YouTube).

Màu sắc cực quang phụ thuộc vào khí mà các hạt mang điện va chạm, với oxy là ánh sáng đỏ và vàng xanh lá cây, nghĩa là hiện tượng năm 1770 có thể do oxy gây ra. Điều này đồng nghĩa, bão từ năm đó mạnh đến nỗi chạm xuống lớp khí quyển thấp hơn, nơi oxy đậm đặc hơn, khiến một vùng trời rộng lớn chuyển đỏ nhiều ngày liên tục.

Ngày nay, nếu hiện tượng tương tự lặp lại, thế giới có thể tổn thất hàng nghìn tỷ USD do các vệ tinh, hệ thống điện và mạng lưới thông tin liên lạc bị ảnh hưởng. "Xã hội hiện đại phụ thuộc nhiều vào vệ tinh và hệ thống lưới điện quy mô lớn. Nếu những hiện tượng như vậy xảy ra với Trái Đất, hậu quả có thể rất tồi tệ", nhóm nghiên cứu nhận xét.

NASA và Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) phóng vệ tinh thời tiết Deep Space Climate Observatory (DSCOVR) lên vũ trụ để nghiên cứu những hiện tượng tương tự, đồng thời phát hiện các dấu hiệu nếu bão Mặt Trời mạnh xuất hiện.

Cập nhật: 24/11/2017 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video