Bầu trời sẽ trông ra sao nếu Mặt Trăng bị thay thế?

Trong hệ Mặt Trời, Mặt Trăng là một trong những vật thể có kích thước được coi là khá lớn. Nếu như thay vì quay quanh Trái Đất, Mặt Trăng quay quanh Mặt Trời thì nó sẽ được coi là một trong những hành tinh anh em của Trái Đất.

Thực tế, vòng quay của Mặt Trăng xung quanh Mặt Trời gần như là hoàn hảo, lực hút của Trái Đất chỉ làm cho vòng quay này bị xê dịch đi một chút, tuy nhiên, Mặt Trăng chủ yếu vẫn là quay quanh Trái Đất nên nó chỉ được coi là một vệ tinh của chúng ta. Kích thước của Mặt Trăng bằng 1/4 kích thước của Trái Đất và còn lớn hơn Sao Diêm Vương (Từng được coi là hành tinh thứ 9 trong hệ Mặt Trời).

Tuy được coi là một vật thể lớn trong hệ Mặt Trời nhưng với khoảng cách 384.400km từ Trái Đất đến Mặt Trăng, trên bầu trời đêm của chúng ta, Mặt Trăng trông vẫn vô cùng bé nhỏ. Ngay cả vào những ngày Mặt Trăng ở gần chúng ta nhất, hiện tượng Siêu Mặt Trăng xảy ra thì từ con mắt loài người, Mặt Trăng vẫn nhỏ bé, khác xa hình ảnh to lớn của nó trong phim ảnh. Sự trùng hợp ngẫu nhiên đã khiến cho Mặt Trăng và Mặt Trời có kích thước bằng nhau khi nhìn từ Trái Đất và điều này đã cho chúng ta cơ hội chiêm ngưỡng những kỳ nhật thực toàn phần (Mặc dù do Mặt Trăng có khoảng cách không đồng nhất so với Trái Đất, lúc xa lúc gần, nên không phải lúc nào hiện tượng nhật thực cũng là nhật thực toàn phần).

Các nhà làm phim với trí tưởng tượng phong phú đã tạo nên hình ảnh Mặt Trăng khổng lồ trong tác phẩm của mình và thực sự thì những khung cảnh với nền là một Siêu Mặt Trăng như vậy luôn tạo được ấn tượng mạnh trong lòng người xem. Tuy nhiên, những hình ảnh ấy hoàn toàn không thực tế, chúng ta sẽ không bao giờ nhìn thấy Mặt Trăng với kích thước trong phim cả. Hoặc giả sử có một ngày Mặt Trăng tiến sát đến chúng ta, đủ để tạo nên một khung cảnh hùng vĩ trên Trái Đất, chắc chắn nó cũng sẽ gây ra những biến đổi khủng khiếp với môi trường sống của chúng ta.

Tuy nhiên, trí tưởng tượng thì không có giới hạn và cũng không thể bị ngăn cấm. Vậy hãy cùng thử sử dụng trí tưởng tượng của chúng ta để tạo nên những khung cảnh kỳ lạ, đẹp đẽ trên bầu trời của Trái Đất. Hãy thử tưởng tượng những hành tinh khác thay thế vị trí của Mặt Trăng để trở thành vệ tinh tự nhiên trên bầu trời Trái Đất.

Hãy cùng bỏ qua việc lực hấp dẫn của những hành tinh sẽ tác động với chúng ta thế nào. Hãy thử tưởng tượng rằng chúng ta có thể đặt Sao Hỏa vào vị trí của Mặt Trăng. Sao Hỏa có kích thước gần gấp đôi Mặt Trăng, dưới cái nhìn của chúng ta, Sao Hỏa sẽ lớn gấp đôi Mặt Trăng. Những chi tiết mà chúng ta từng quan sát trên Sao Hỏa qua kính viễn vọng giờ đây có thể nhìn rõ bằng mắt thường. Ngay cả những thời điểm trên Sao Hỏa bị đóng băng, giã băng qua các mùa cũng có thể nhìn thấy từ Trái Đất. Những cơn bão cát trên Hỏa Tinh cũng có thể được quan sát bằng mắt thường. Có lẽ không nên quên rằng thay vì màu trắng bạc của Mặt Trăng, chúng ta sẽ tận hưởng ánh sáng phản chiếu màu đỏ từ Sao Hỏa.


Mars - Sao Hỏa.

Sao Kim lớn gấp 3,5 lần so với Mặt Trăng. Hình ảnh của Ngôi sao của Thần vệ nữ đối với chúng ta khi nó ở vị trí Mặt Trăng có lẽ cũng giống như hình ảnh của Trái Đất đối với các phi hành gia nhìn về Trái Đất từ Mặt Trăng. Hãy bỏ qua những thay đổi trên Sao Kim nếu đem nó về gần chúng ta. Chúng ta sẽ có thể quan sát được những cột mây xoáy, sáng ngà. Sao Kim thực tế phản chiếu ánh sáng tốt hơn Mặt Trăng của chúng ta đến 6 lần, nếu thay thế Mặt Trăng bằng Sao Kim, bầu trời đêm của Trái Đất sẽ sáng chẳng khác gì ban ngày.


Venus - Sao Kim.

Thiên Vương Tinh và Hải Vương Tinh với kích cỡ gần tương đương nhau sẽ cho chúng ta những cảnh tượng gần giống như nhau khi chúng trở thành vệ tinh của Trái Đất. Kích thước của những hành tinh này là vào khoảng 14 lần so với Mặt Trăng, chúng ta có thể thấy những quả cầu xanh khổng lồ trên bầu trời mỗi tối. Hãy thử tưởng tượng những lần xảy ra Nhật thực, mỗi khi Mặt Trời biến mất đằng sau “mặt trăng” này, Trái Đất sẽ chìm trong bóng tối khoảng hơn 90 phút đồng hồ.


Neptune - Sao Hải Vương.


Uranus - Sao Thiên Vương.

Sao Thổ có lẽ sẽ là vệ tinh đẹp nhất của chúng ta. Với kích thước khoảng 35 lần Mặt Trăng, Sao Thổ sẽ chiếm một khoảng không khá lớn trên bầu trời. So với vệ tinh Dione của Sao Thổ, Trái Đất có thể ở vị trí xa hơn nếu đặt Sao Thổ vào chỗ của Mặt Trăng. Tất nhiên là với hành tinh có kích cỡ giống như Sao Thổ, Trái Đất của chúng ta sẽ trông rất giống như vệ tinh của nó. Điểm đặc biệt của Sao Thổ chính là vòng tròn quanh hành tinh này, vòng tròn được tạo ra bởi những mảnh vụn thiên thạch sẽ đi rất sát tới Trái Đất nếu như Sao Thổ thực sự trở thành mặt trăng của chúng ta.


Saturn - Sao Thổ.

Tuy nhiên, kích cỡ của Sao Thổ vẫn chưa là gì so với Sao Mộc, hành tinh lớn nhất trong hệ Mặt Trời. Sao Mộc có kích thước bằng 40 lần Mặt Trăng với những dải mây, những mắt bão khổng lồ trên thân mình của nó sẽ là cảnh thượng vô cùng hùng vĩ có thể quan sát được bằng mắt thường từ Trái Đất. Thực tế, với kích thước khổng lồ này, có lẽ Trái Đất sẽ trở nên giống vệ tinh Io của Sao Mộc hơn. Trên hành tinh của chúng ta khi ấy sẽ đầy rẫy những núi lửa, mỗi centimet trong bầu khí quyển Trái Đất sẽ chịu lực kéo khổng lồ… nó sẽ làm thay đổi hoàn toàn hành tinh của chúng ta.


Jupiter - Sao Mộc.

Như đã nói ở đầu bài, những điều trong bài viết chỉ là những hình ảnh được tạo ra từ trí tưởng tượng của chúng ta. Nếu như thực sự Mặt Trăng ngày nay bị hoán đổi bằng các hành tinh anh em của chúng ta trong hệ Mặt Trời, có lẽ loài người sẽ không thể tồn tại được. Đã bao giờ bạn tiếc nuối vì Mặt Trăng không đẹp đẽ và rực rỡ như trong những bộ phim bạn thường xem? Có lẽ bạn nên cảm ơn tạo hóa đã không ban cho chúng ta một Mặt Trăng khổng lồ như vậy, nó có thể rất đẹp, tuy nhiên, tác động của nó với chúng ta chắc chắn không thú vị chút nào.

Theo Genk
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video