Bẫy kim loại giúp bắt hàng triệu cua lông

Các nhà khoa học thiết kế bẫy kim loại dưới sông để bắt cua lông Trung Quốc, một trong những loài xâm lấn tệ nhất châu Âu.

Cua lông Trung Quốc (Eriocheir sinensis), còn gọi là cà ra hoặc cua lông Thượng Hải, là động vật giáp xác có nguồn gốc từ Đông Á, CNN hôm 30/1 đưa tin. Đặc trưng của chúng là những chiếc càng phủ đầy lông giống như găng tay. Cơ thể chúng màu xám xanh hoặc nâu sẫm, thường dài khoảng 8 cm, nhưng khi xòe rộng các chân, chúng có thể dài tới 25 cm.


Một kênh kim loại được lắp đặt dọc lòng sông để bẫy cua di cư. (Ảnh: Paul Van Loon)

Là một trong 100 loài ngoại lai xâm lấn tồi tệ nhất thế giới, cua lông Trung Quốc rất khó tiêu diệt: chúng ăn gần như mọi thứ, có thể sống sót cả ở trên cạn, trong nước ngọt và nước mặn, tốc độ sinh sản nhanh, con cái đẻ 250.000 - 1.000.000 quả trứng mỗi đợt.

Chúng được phát hiện ở châu Âu lần đầu tiên khoảng hơn 100 năm trước, tại một con sông gần Bremen, Đức. Có vẻ chúng đã từ châu Á đến đây trong nước dằn tàu. Từ đó, số lượng cua lông trên khắp châu Âu nhanh chóng bùng nổ. Tác động tiêu cực của loài vật này bao gồm phá vỡ chuỗi thức ăn dưới nước, truyền bệnh nấm ở tôm và làm tăng tình trạng xói mòn đê và bờ do đào hang.

Nhiều nhà khoa học châu Âu nỗ lực tìm cách giảm số lượng cua lông để bảo vệ các hệ sinh thái bản địa. Đến nay, chiến lược thành công nhất là bẫy kim loại do Đại học Antwerp và Cơ quan Môi trường Flanders ở Bỉ phát triển. 3 chiếc bẫy như vậy đã được lắp đặt ở nước này kể từ năm 2018, đến nay đã bắt được khoảng 3 triệu con cua, theo Jonas Schoelynck, giáo sư sinh thái thủy sinh tại Đại học Antwerp.

Bẫy gồm một kênh kim loại đặt ngang qua sông. Cua sẽ lọt vào đó khi bò dọc theo lòng sông. Không thể bơi ra ngoài như các loài thủy sinh khác, chúng phải bò dọc theo đường ống dẫn đến các lồng ở hai bên bờ. Từ đây, chúng sẽ được thu gom và đem xử lý.

Bẫy nhắm vào những khu vực có số lượng lớn cua di cư. Mùa thu, cua trưởng thành di cư từ vùng nước ngọt ra biển để đẻ trứng và vào mùa xuân, cua con sẽ đi từ biển vào sông. Schoelynck cho biết, chúng di chuyển những quãng đường đáng kinh ngạc, lên tới 10 km một ngày. Trong khoảng thời gian này, cua lông bị bắt gặp rất nhiều. Chúng tụ tập quanh các cửa cống hoặc di chuyển trên cạn để tránh đập nước và những vật cản khác.


Đến nay, khoảng 3 triệu con cua lông đã bị bắt bằng bẫy kim loại ở Bỉ. (Ảnh: Heleen Keirsebelik).

Các nhà khoa học tin rằng bẫy kim loại là một giải pháp hiệu quả về chi phí. Theo Schoelynck, những phương pháp bẫy khác, ví dụ dùng lưới, tốn nhiều công sức và chi phí hơn. "Vào một ngày hiệu quả ở Bỉ, bạn có thể bắt 80 - 100 con cua bằng lưới. Trong khi với loại bẫy mới, bạn có thể bắt 8.000 - 10.000 con mỗi ngày", ông nói và cho biết, bẫy mới ít có khả năng bắt nhầm sinh vật khác hơn.

Một trong những vấn đề lớn là xử lý cua lông sau khi bắt. Bjorn Suckow, nhà khoa học tại Viện Alfred Wegener, giải thích rằng các nước trong Liên minh châu Âu (EU) có những quy định về phúc lợi động vật khác nhau. Ở Đức, các nhà khoa học chỉ được phép giết cua bằng cách đun sôi hoặc dùng điện. Trong khi ở Bỉ, cua được đông lạnh trong xô.

Cua lông là đặc sản theo mùa ở Trung Quốc nhưng chúng ít thịt nên không được ưa chuộng ở thị trường châu Âu, theo Schoelynck. Ông cho biết thêm, nhiều con cua bị mắc bẫy vẫn còn non, trong khi những con dùng làm thức ăn ở Trung Quốc là con trưởng thành lớn hơn. Hiện tại, cua thu gom từ một trong những bẫy ở Bỉ được chuyển đến vườn thú địa phương để làm thức ăn cho động vật.

Cập nhật: 31/01/2024 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video