Dự án PolarGAP của các nhà khoa học châu Âu đã tiết lộ những thông tin mới về địa hình và trọng lực ở Nam Cực, châu lục lạnh lẽo và bí ẩn nhất thế giới.
Được thành lập bởi Cơ quan Không gian châu Âu (ESA), các nhà khoa học trong dự án nói trên đã vận chuyển hàng loạt trang thiết bị hiện đại tới Nam Cực. Mục đích ban đầu của họ là nghiên cứu về trường hấp dẫn tại đây.
Các nhà khoa học mất rất nhiều thời gian và công sức để vận chuyển trang thiết bị tới Nam Cực. (Ảnh: PolarGAP).
Bằng cách này, họ cũng đã giúp các nhà nghiên cứu trả lời câu hỏi về sự phân bố khác nhau của trọng lực trên Trái đất. Đây là nhân tố quan trọng của hệ thống định vị và vệ tinh toàn cầu.
Theo BBC, thành viên trong dự án cho biết những số liệu này sẽ cho phép dựng lại mô hình chính xác hơn về Trái đất.
Bằng radar và các dụng cụ đo độ cao, họ cũng có được những thông tin quan trọng về độ dày của lớp vỏ Trái đất, các khối băng và sự di chuyển của chúng.
Dữ liệu cũng cho thấy sự tồn tại của đá magma và một bể trầm tích phía dưới.
Các nhà khoa học khẳng định sự tồn tại của một bể trầm tích khổng lồ. (Ảnh: PolarGAP).
Bể trầm tích này dài khoảng 1.000km và đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa sự di chuyển của các khối băng ra đại dương.
"Đây là một trong những đặc điểm quan trọng nhất của Nam Cực, bể trầm tích này có ý nghĩa rất lớn vì nó là nền tảng cho sự di chuyển nhanh chóng của các khối băng trong khu vực này", tiến sĩ Fausto Ferraccioli, thành viên của nhóm nghiên cứu Nam Cực Anh Quốc (BAS) cho biết.
Những thông tin quan trọng từ dự án PolarGAP sẽ giúp các nhà khoa học tìm ra những tảng băng có niên đại hàng triệu năm ở Nam Cực. Qua đó, họ có thể giải đáp những thắc mắc về tình trạng thay đổi khí hậu của Trái đất trong hàng triệu năm qua.
Các nhà địa chất học cũng hy vọng những con số này sẽ giúp họ tìm và khám phá những mẫu đất đá nằm sâu phía dưới những lớp băng.
Nam Cực được coi là nơi bí ẩn nhất thế giới. (Ảnh: PolarGAP).
Nam Cực là một lục địa với những dãy núi và hồ được bao quanh bởi đại dương. Nó có diện tích khoảng 14.000.000km2. Do vị trí đặc biệt của châu lục này, các vệ tinh từ vũ trụ không thể chụp ảnh, biến nó trở thành một trong những nơi bí ẩn nhất đối với loài người.