Thềm băng ở Nam Cực đang tan vỡ từ bên trong, đe dọa đẩy mực nước biển tăng vọt và nhấn chìm nhiều thành phố ven biển.
Rãnh nứt ở dòng sông băng Pine Island, phía tây Nam Cực chụp từ trên cao bằng vệ tinh của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) hôm 4/11. (Ảnh: NASA.)
Các nhà khoa học Mỹ thu thập bằng chứng từ ảnh vệ tinh cho thấy thềm băng tây Nam Cực đang tan rã từ bên trong dưới tác động của hiện tượng ấm lên toàn cầu, theo Science Alert. Vết rạn nứt này hình thành ở trung tâm thềm băng trong vài tháng qua, báo trước xu hướng đáng lo ngại. Nghiên cứu được công bố trên hôm 28/11 trên tạp chí Geophysical Research.
Nhóm nghiên cứu ở Đại học Ohio, Mỹ, đang tìm cách dự đoán việc thềm băng này bị vỡ sẽ ảnh hưởng như thế nào đến mức nước biển toàn cầu trong tương lai. Điều này rất quan trọng vì một nửa dân số thế giới sinh sống ở các vùng ven biển.
"Chúng ta không còn tự hỏi liệu các tảng băng ở Nam Cực có tan chảy. Vấn đề là chúng sẽ tan ra khi nào", nhà nghiên cứu Ian Howat ở Đại học Ohio, chia sẻ. "Cách những tảng băng rạn nứt cho thấy cơ chế tan chảy sông băng diễn ra nhanh chóng và nhiều khả năng chúng ta sắp chứng kiến thềm băng tây Nam Cực sụp đổ".
Theo các nhà nghiên cứu, dòng nước ấm của đại dương thấm vào khe nứt giữa các tảng băng, làm chúng nóng lên từ bên dưới. Theo thời gian, dòng nước ấm này sẽ làm tan chảy ngày càng nhiều vùng băng xung quanh nó cho tới khi tạo thành khe nứt lớn.
"Những khe nứt thường xuyên hình thành ở rìa các tảng băng, nơi có lớp băng mỏng và dễ nứt. Tuy nhiên, sự kiện sông băng Pine Island bị vỡ một mảng lớn năm ngoái là do rạn nứt từ bên trong và lan ra ngoài biên tảng băng", Howat giải thích. "Điều này có nghĩa phần trung tâm của tảng băng yếu đi vì nguyên nhân nào đó, rất có thể là một đường nứt lớn xuất hiện bên dưới bởi sự ấm lên của đại dương".
Nếu toàn bộ băng của Nam Cực tan chảy vào đại dương, mực nước biển sẽ đột nhiên tăng vọt ba mét trên toàn cầu, gây nguy hiểm cho nhiều thành phố ven biển như London, Anh hay New York, Mỹ.
"Chúng ta cần phải tìm hiểu chính xác sự hình thành của vết nứt trên các tảng băng, hiểu vai trò của chúng trong việc ổn định thềm băng. Việc theo dõi sự tan rã từ bên trong bị giới hạn khi quan sát từ không gian, nên chúng ta cần đến trực tiếp để thu thập dữ liệu và quan sát chi tiết hơn", Howat nhấn mạnh.