Bệnh liên cầu lợn (streptococcus suis) là bệnh kế phát của hội chứng bệnh tai xanh ở lợn. Bệnh này rất nguy hiểm vì có thể lây qua người.
Đến ngày 19-7, dù đã qua giai đoạn căng thẳng nhất, ông Vũ Đình Đấu (61 tuổi, ở Hưng Yên) vẫn rất mệt, hai chân tím bầm, có dấu hiệu da và một số ngón chân bị hoại tử nặng. Ông Đấu mắc bệnh liên cầu lợn trong hơn một tháng qua.
Ông Đấu kể đầu tháng sáu vừa rồi có mua mấy lạng thịt lợn về nhà ăn, hai ngày sau ông bị hôn mê. Được gia đình đưa đến Bệnh viện Hưng Yên, sau đó được đưa vào Viện Các bệnh nhiệt đới và truyền nhiễm quốc gia trong tình trạng rất nguy kịch. Ngoài ông Đấu còn có anh N.T.L. mắc liên cầu lợn đang điều trị tại viện.
Lây trực tiếp từ lợn sang người!
Ông Nguyễn Đức Hiền - viện trưởng Viện Các bệnh nhiệt đới và truyền nhiễm quốc gia - cho biết từ đầu năm 2007 đến nay có 22 bệnh nhân mắc liên cầu lợn điều trị tại viện này, hai người trong số này đã tử vong. “Đây là một loại bệnh mới xác định được ở VN từ năm 2003, trong vài năm qua chỉ có khoảng mười bệnh nhân vào viện chúng tôi. Kể từ đầu năm 2007 đến nay số người mắc bệnh có dấu hiệu tăng mạnh. Ở phía Nam cũng có khoảng 20 bệnh nhân mắc liên cầu lợn” - ông Hiền cho biết.
Theo ông Nguyễn Đức Hiền, bệnh liên cầu lợn lây trực tiếp từ lợn bệnh sang người (qua các vết xước trên cơ thể, qua ăn tiết canh lợn bệnh...). Bệnh cảnh giống nhiều căn bệnh khác như nhiễm khuẩn huyết, sốt xuất huyết, viêm màng não mủ... Hầu hết bệnh nhân chuyển đến viện khi ở ngày thứ 9-10 kể từ khi phát bệnh, bệnh đã trở nên rất nặng.
Ông Vũ Đình Đấu vẫn phải điều trị ở Viện Các bệnh nhiệt đới và truyền nhiễm quốc gia. Với mỗi bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn nặng, chi phí điều trị lên tới 22 triệu đồng. (Ảnh: TTO) |
Khó nhận biết lợn nhiễm bệnh liên cầu
Chiều 19-7, TS Tô Long Thành - phó giám đốc Trung tâm Chẩn đoán thú y T.Ư (Cục Thú y - Bộ NN&PTNT) - nói rằng việc nhận biết lợn bị nhiễm bệnh liên cầu bằng mắt thường rất khó. Để xác định lợn có nhiễm liên cầu hay không chỉ có thể làm ở phòng thí nghiệm bằng các chẩn đoán vi trùng học rất phức tạp.
TS Nguyễn Tiến Dũng - trưởng bộ môn siêu vi trùng, Viện Thú y - cho biết lợn bị PRRS không khác gì người nhiễm virus HIV, virus gây PRRS “đánh” thẳng vào tế bào “đại thực bào”, khiến con vật không thể chống lại các loại bệnh. Đặc biệt nguy hiểm là khi lợn bị bệnh liên cầu thì có khả năng lây sang người qua đường ăn uống, thậm chí qua đường hô hấp. Khi người bị nhiễm bệnh này thì toàn thân tím tái rất nhanh, sốt cao, thậm chí mê man không biết gì. Việc xuất hiện các bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn chủ yếu ở những địa phương từng xuất hiện bệnh tai xanh trên lợn.
Các chuyên gia về thú y khẳng định bệnh tai xanh cũng như liên cầu lợn chưa có phác đồ điều trị, không có kháng sinh đặc trị. Để tránh ăn phải thịt lợn bệnh, các chuyên gia thú y khuyến cáo người dân nếu thấy màu thịt khác thường, xuất huyết hoặc phù nề thì không nên mua, không nên ăn. Để phòng tránh, nên nấu chín các món ăn từ thịt lợn.
Theo ông Nguyễn Đức Hiền, do đường lây của bệnh từ lợn sang người rất dễ dàng, cần tuân thủ các biện pháp bảo hộ khi chế biến, giết mổ, chăn nuôi động vật. Ông Hiền cho biết phần lớn số người mắc liên cầu lợn trong thời gian qua làm nghề chăn nuôi, giết mổ và bán thịt lợn. Trong đó có một học sinh 17 tuổi mới chỉ bán hàng hộ mẹ hai ngày trong thời gian nghỉ hè đã bị mắc bệnh.
LAN ANH - ĐỨC BÌNH