Bệnh nhân ung thư sẽ không còn chịu tác dụng phụ nhờ nghiên cứu mới

Các tác dụng phụ ghê gớm như rụng tóc, tiêu chảy và chuột rút cơ bắp sẽ giảm nhẹ hơn rất nhiều.

Một điều đáng sợ đối với bệnh nhân ung thư đó là tình trạng kháng thuốc. Nó sẽ khiến tế bào khối u có khả năng tự sửa chữa tổn thương do hóa trị gây ra. Bên cạnh di căn, kháng thuốc là thách thức quan trọng nhất đối với các bác sĩ điều trị ung thư hiện nay.

Tuy nhiên, các nhà khoa học đang dần khắc phục được tình trạng này. Một nghiên cứu mới của Đại học Bắc Carolina, Hoa Kỳ chỉ ra rằng các tế bào ung thư phổi kháng thuốc có thể bị tiêu diệt bởi chính loại thuốc đó ở liều lượng hóa trị nhỏ hơn 50 lần.

"Đây là phát hiện quan trọng. Nó chứng minh cho chúng ta thấy cuối cùng bệnh nhân ung thư cũng có thể điều trị ở liều lượng thuốc nhỏ hơn, đạt sự chính xác cao hơn", giáo sư Elena Batrakova, người dẫn đầu nghiên cứu cho biết. "Kết quả điều trị cũng sẽ hiệu quả hơn với mức độ nhẹ hơn và ít hơn các tác dụng phụ".

Nghiên cứu mới được đăng trên tạp chí Nanomedicine: Nanotechnology, Biology and Medicine.


Điều trị ung thư kháng thuốc với liều lượng hóa trị nhỏ hơn 50 lần.

Phát hiện này được đánh giá cao bởi quá trình tiêu diệt tế bào ung thư sử dụng chính các loại thuốc hiện hành. Các nhà khoa học sẽ không phải phát triển các loại thuốc mới, đồng nghĩa với việc tiết kiệm thời gian và chi phí.

Tất cả những gì mà Elena Batrakova và nhóm nghiên cứu làm là tìm ra cách đóng gói và phân phối thuốc hiệu quả hơn tới những tế bào ung thư. Quá trình hóa trị ngày nay không hiệu quả chủ yếu do thuốc được bơm vào một khu vực rộng lớn của cơ thể. Điều này sẽ giết chết cả tế bào ung thư lẫn các mô khỏe mạnh khác. Đó là lí do của các tác dụng phụ rất nặng trên cơ thể người bệnh.

Trong nhiều năm, tất cả các nhà khoa học đều nhận ra điều này. Tuy nhiên, họ chỉ tập trung vào việc đóng gói thuốc bằng các hạt nano. Đó là một ý tưởng tốt về mặt lý thuyết. Trên thực tế, cơ thể người bệnh thường nhận ra và xem những hạt nano là vật thể lạ. Nó sẽ làm việc để đào thải hạt nano mang thuốc ra khỏi cơ thể, ngăn chặn chúng đến được đích là các tế bào ung thư.


Mô phỏng một exosome và cách chúng vận chuyển chất.

Để thoát khỏi hướng đi bế tắc này, nhóm nghiên cứu của Đại học Bắc Carolina tìm kiếm một giải pháp mới. Họ dự định đóng gói thuốc ngay bên trong các exosome, những túi nhỏ hình cầu được chiết xuất từ chính tế bào bạch cầu của bệnh nhân.

"Exosome về bản chất là một phương tiện vận chuyển hoàn hảo", Batrakova nói. "Bằng cách sử dụng exosome từ bạch cầu, chúng ta có thể gói thuốc trong một chiếc áo choàng tàng hình, giấu nó khỏi hệ thống miễn dịch. Các exosome này chen chúc quanh các tế bào ung thư, chúng sẽ nhả thuốc vào đó và không có quá trình kháng thuốc nào xảy ra".

Để có được kết luận này, các nhà khoa học sử dụng trong thí nghiệm của họ paclitaxel, loại thuốc phổ biến để điều trị ung thư vú, phổi, tuyến tụy. Tuy nhiên, nó gây các tác dụng phụ ghê gớm như rụng tóc, tiêu chảy và chuột rút cơ bắp.

Paclitaxel được nạp vào bên trong exosome được lấy ra từ những con chuột. Sau đó, các nhà nghiên cứu đặt chúng trên một đĩa thí nghiệm chứa đầy các tế bào ung thư kháng thuốc. Họ nhận ra rằng chỉ cần ít hơn 50 lần liều lượng so với phiên bản thương mại của paclitaxel là đã có thể đạt được hiệu quả tiêu diệt các tế bào.


Các tế bào ung thư phổi kháng thuốc (màu đỏ) và exosome (màu xanh lá) chen chúc quanh đó.

Thử nghiệm trên chuột cũng được tiến hành sau đó. Phương pháp mới có thể nhanh chóng đạt hiệu quả ở những con chuột bị ung thư phổi kháng thuốc. Exosome cho thấy nó cũng có thể trở thành một công cụ chẩn đoán chính xác cao tế bào ung thư.

Bước tiếp theo của nghiên cứu là các nhà khoa học phải thử nghiệm exosome với nhiều loại thuốc và nhiều tế bào ung thư khác nhau. Cuối cùng, một thử nghiệm trên người là bước tối cần thiết nếu muốn áp dụng phương pháp mới vào thực tế.

Cũng phải nhắc lại rằng trước đây, cũng đã có nhiều thử nghiệm chữa trị ung thư hoạt động rất hiệu quả trên chuột, chúng không tương thích với con người. Mặc dù vậy, phương pháp mới sử dụng exosome đang nhận được rất nhiều quan tâm và hy vọng bởi hướng đi mới mẻ của nó. Vì vậy, chúng ta hãy cùng chờ đợi những kết quả tiếp theo đến từ giáo sư Batrakova và cộng sự.

Cập nhật: 19/01/2016 Theo Trí Thức Trẻ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video