Bệnh quái đản của những người muốn tự cắt bỏ chân tay

Người mắc bệnh rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể luôn bị ám ảnh rằng mình thừa một bộ phận nào đó như tay, chân hoặc mắt nên phải tìm cách loại bỏ nó.

Năm 1785, người đàn ông tại Anh đã dùng súng đe dọa và yêu cầu bác sĩ cắt cụt một chân của mình. Người này tin rằng điều đó có thể khiến cô gái mà anh ta yêu thầm chú ý tới mình. Bác sĩ sau đó buộc phải đồng ý với yêu cầu "vô lý" này và thực hiện phẫu thuật tháo chân của bệnh nhân.

Sau đó, bác sĩ nhận được một khoản thanh toán khá lớn từ bệnh nhân kèm theo lá thư cảm ơn vì đã giúp "loại bỏ chân dư thừa" để giúp bệnh nhân hạnh phúc hơn.

Theo Health, rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể (BIID) là chứng bệnh hiếm. Một số chuyên gia tin rằng bệnh bởi một lỗi về thần kinh, trong đó hệ thống "bản đồ" của não không thể nhìn thấy một phần nào đó của cơ thể.

Mong muốn được tàn phế

Rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể (BIID) là một trong những căn bệnh lạ lùng nhất trên thế giới. Dù có tinh thần và sức khoẻ bình thường, những người mắc hội chứng này luôn khao khát được tàn phế. Họ luôn cảm thấy một phần cơ thể của mình như tay, chân là dư thừa và sẵn sàng cắt chúng để tự chữa khỏi bệnh. Thậm chí, họ cảm nhận được sự hoàn thiện quá mức của cơ thể khi có tất cả giác quan.

Vì lý do đạo đức, các bác sĩ không thực hiện yêu cầu cắt cụt tự nguyện. Hầu hết người mắc chứng BIID cả đời bị mắc kẹt với một bộ phận cơ thể mà họ ghét. Nhưng một số người chọn cách làm hại bản thân mình để có thể được phẫu thuật cắt bỏ bộ phận đó.

Đó là những gì John đã làm. Trên diễn đàn Reddit của Australia, John đã kể toàn bộ cuộc đấu tranh của anh ta với căn bệnh BIID. Quyết định cuối cùng của John là tự làm chân bị thương đến mức có thể cắt cụt.


Chân trái của John bị cắt bỏ sát gần đầu gối. (Ảnh: Okwhatever).

Chuyện xảy ra vào đầu những năm 2000 khi John 20 tuổi. Anh đã nghiên cứu rất cẩn thận, chọn một nơi nhiều cây cối không quá xa bệnh viện để thực hiện hành động. Sau khi tìm thấy một hòn đá lớn, John đập liên tục vào chân trái cho đến khi nó trông có vẻ đủ để anh không bao giờ có thể đi lại bình thường được nữa.

Tại bệnh viện, John nói dối rằng anh ta đi leo núi và bị ngã. Các bác sĩ sau đó xác nhận chân trái của anh đã bị tàn phế. Đó là những gì mà John muốn nghe. Ngay ngày hôm sau, bác sĩ đã phẫu thuật cắt bỏ chân trái, tạo ra sự thay đổi mới cho cuộc đời của John.

Trong bài đăng trên Reddit, John cho biết kể từ khi cắt cụt, anh đã chữa khỏi chứng BIID của mình. Sự thù hận mà anh ta dành cho chân tay thừa và khát khao muốn loại bỏ chúng đã biến mất sau cuộc phẫu thuật.

Hiện tại, khi đã 33 tuổi, John cho biết anh không cảm thấy xấu hổ vì bị mất chân, thậm chí tự hào về điều đó. Anh có thể thoải mái mặc quần ngố để khoe chân giả. John thích trở thành người đàn ông một chân và rất thỏa mãn với cái nhìn khó chịu từ người khác.

Y học thế giới từng ghi nhận trường hợp bà Chloe Jennings-White 58 tuổi ở Mỹ luôn mong muốn được phẫu thuật cắt bỏ chân để sống cuộc đời của người tàn phế. Người phụ nữ luôn tin rằng cả 2 chân không thuộc về mình nên mong muốn bị liệt từ thắt lưng trở xuống. "Có điều gì đó thôi thúc tôi rằng đôi chân của mình không hoạt động", bà kể.


Chloe hạnh phúc khi được ngồi trên chiếc xe lăn dù bà không bị khuyết tật. (Ảnh: Health).

Lần đầu tiên Chloe nhận ra cơ thể mình khác với những người xung quanh từ 4 tuổi khi đi thăm người dì bị tai nạn phải sử dụng một chiếc nẹp để băng bó chân. "Tôi muốn được như thế quá. Tôi tự hỏi tại sao mình không sinh ra như vậy", Chloe nói. Từ đó, Chloe thường giả vờ bị què chân mỗi khi ở một mình. Bà chơi các môn thể thao mạo hiểm và leo cây cao với hy vọng bị té gãy chân.

Bác sĩ tâm thần học Michael First ở New York chẩn đoán Chloe mắc bệnh rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể. Năm 2010, Chloe đến gặp một bác sĩ nhờ giúp bà trở thành người khuyết tật bằng cách cắt khớp háng và các dây thần kinh xương đùi. Tuy nhiên không đủ tiền chi trả cho ca phẫu thuật lên đến 22.600 USD (gần 500 triệu đồng) nên người phụ nữ đành gác lại ''ước mơ''.

Gần đây bác sĩ Michael First gợi ý bà Chloe nên sử dụng một chiếc xe lăn để được thỏa nguyện vọng sống trong cảm giác của người khuyết tật. "Ban đầu tôi chỉ dám ngồi xe lăn khi ở một mình nhưng sau này tôi đã can đảm tiết lộ bí mật ấy với bạn bè và đồng nghiệp. Hiện tại tôi dành phần lớn thời gian trên xe lăn. Thỉnh thoảng tôi bước ra khỏi xe, đi bộ lên cầu thang hoặc chui vào xe hơi. Tôi thực sự hạnh phúc", Chloe nói.

Khao khát được mù mắt


Jewel mắc chứng BIID khiến cô mong muốn được mù. (Ảnh: Nypost).

Jewel Shuping, 30 tuổi ở Carolina cũng mắc căn bệnh trên. Cô luôn mong muốn trở thành người mù. Jewel kể mẹ thường bắt gặp cô đi lại trong phòng tối với vẻ thích thú từ năm 3 tuổi. 6 tuổi cô tỏ rõ cảm giác hạnh phúc khi được đóng giả là người khiếm thị. 16 tuổi, Jewel bắt đầu đeo kính đen dày, 18 tuổi dùng gậy dành cho người mù, 20 tuổi đã đọc được chữ nổi một cách điêu luyện. Từ đó, Jewel tìm mọi cách loại bỏ đôi mắt.

Năm 2006, một nhà tâm lý người Canada đã đồng cảm và giúp Jewel hiện thực hóa ước mơ bằng cách nhỏ thuốc tẩy rửa vào mắt khiến cô mù lòa. "Tôi rất đau đớn cảm thấy 2 mắt mình đang bốc cháy, má cũng bị bỏng rộp. Nhưng tôi hạnh phúc khi nghĩ rằng mình sẽ được trở thành người mù", Jewel kể.

Hơn 6 tháng sau, 2 mắt Jewel mù hoàn toàn và kèm theo các bệnh như đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp và hư giác mạc. Jewel tâm sự: "Rất nhiều người mắc bệnh như tôi và họ đang cần sự giúp đỡ. Nhiều bệnh nhân liều mình nhảy từ các mỏm đá chỉ vì muốn hủy hoại đôi chân của họ, điều này rất nguy hiểm".

Rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể (BIID) là gì?

BIID là một trong những chứng bệnh kinh hoàng nhất trong lịch sử y học thế giới. Người mắc bệnh này trong đầu lúc nào cũng luôn khao khát được tàn phế và ý nghĩ ấy chi phối tâm thức của họ suốt cuộc đời.

Theo các nhà khoa học, những người mắc hội chứng BIID hoàn toàn không có vấn đề về thần kinh. Họ vẫn sinh hoạt, làm việc bình thường nhưng áp lực công việc, gia đình... gây ảnh hưởng tâm lý khiến họ bị stress, trầm cảm và không tự tin về bản thân.


Chứng bệnh BIID hiện vẫn chưa có thuốc điều trị. (Ảnh: Cbc).

Nguyên nhân của chứng bệnh là "bản đồ" hình ảnh về cơ thể trong não của những người mắc BIID bị khuyết một phần nào đó. Chẳng hạn, một chi đủ trên cơ thể không được định vị đúng trên vùng não tương ứng, khiến người bệnh cảm thấy rất khó chịu với chi đó. Khi được toại nguyện thành người tàn phế, họ luôn cảm thấy thoả mãn, hạnh phúc hơn.

Những người mắc BIID nhận thức được rằng cảm giác này của họ không bình thường nhưng họ không thể giải thích về điều đó.

Người mắc chứng bệnh này có xu hướng giữ bí mật mong muốn của mình vì sợ bị kỳ thị. Điều này càng làm cho việc chẩn đoán thêm khó khăn hơn. Trong nhiều trường hợp, thậm chí vợ hoặc chồng của bệnh nhân cũng không biết.

Đến nay, BIID vẫn còn là bí ẩn và không có cách chữa trị nào khác ngoài việc hủy hoại bản thân. Thuốc tâm lý trị liệu thông thường không thể xóa bỏ được mong muốn này.

Cập nhật: 16/07/2019 Theo VnExpress/Zing
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video