Tờ Daily Telegraph đưa tin, các nhà nghiên cứu Anh đã chứng minh được rằng nỗi sợ hãi trước công nghệ mới có từ trước khi ta chào đời và phụ thuộc vào tác động của hormone testosterone lên thai nhi trong thời kỳ ta nằm trong bụng mẹ. Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Personality And Individual Differences.
Ảnh mang tính minh họa. (Nguồn internet)
Trong nghiên cứu của Đại học Bath có sự tham dự của 150 sinh viên nghành công nghệ thông tin và 119 sinh viên học ngành xã hội nhân văn. Mức độ ảnh hưởng lên các sinh viên này của testosterone trong cơ thể của người mẹ được tương ứng bởi sự khác biệt giữa chiều dài của ngón trỏ so với ngón đeo nhẫn. Chiều dài này càng lớn thì sự tác động của hormone càng nhiều.
Người ta có thể nhận biết các sinh viên chuyên ngành máy tính trực tiếp nhờ vào sự khác biệt tương đối của chiều dài của các ngón tay nói trên. Trong khi ở các sinh viên nghiên cứu nhân văn chiều dài hai ngón tay này ít chênh lệch hơn và có liên quan trực tiếp đến việc họ cảm thấy lo lắng khi sử dụng các công nghệ hiện đại, thậm chí cảm thấy hoảng loạn khi phải đối mặt với các công nghệ này. (Đây gọi là hội chứng technophobia).
Ngoài ra, các nghiên cứu còn cho thấy sự thiếu hiệu quả của testosterone trong thời gian trước khi sinh gây ra tất cả các loại lo âu trong cuộc sống sau này.
Theo người đứng đầu công trình nghiên cứu Mark Brosnan, kết quả nghiên cứu cho thấy sự hiểu biết về công nghệ có các cơ sở về mặt tự nhiên, mang tính bẩm sinh. Do đó, những người cảm thấy khó khăn khi tiếp xúc với công nghệ không nên tự coi mình là "kẻ thua cuộc hay ngu ngốc” vì đó không phải lỗi của họ.