Bệnh tiêu chảy - nguyên nhân, biện pháp và cách phòng chống

Bệnh tiêu chảy là gì?

Bệnh tiêu chảy có thể lây qua đường tiêu hóa nếu ăn phải thức ăn hoặc uống nước có chứa virus, vi khuẩn gây bệnh. Tiêu chảy cấp rất dễ lây lan và bùng phát thành ổ dịch lớn.

Bệnh tiêu chảy là gì?

Tiêu chảy là tình trạng đi ngoài phân lỏng nhiều hơn 3 lần một ngày. Bệnh được chia thành 2 dạng: tiêu chảy cấp tính và tiêu chảy mạn tính.

Trong đó, tiêu chảy cấp xảy ra khi cơ thể bị dị ứng thức ăn, nhiễm khuẩn (E.coli, tả, lỵ, thương hàn, …) hoặc do virus Rota,… Tình trạng này có thể kéo dài từ 1-2 tuần.

Còn đối với tiêu chảy mạn tính, bệnh tái đi tái lại trong một khoảng thời gian dài và kèm theo các biểu hiện như: đau bụng, đầy hơi, phân sống, đi ngoài có máu, buồn nôn, quặn thắt đại tràng,… Lúc này, người bệnh dễ bị suy dinh dưỡng, suy nhược cơ thể và việc điều trị sẽ trở nên khó khăn hơn.

Bệnh có thể lây lan nhanh và gây thành dịch lớn, nhất là ở những khu vực dân cư đông người, sử dụng chung nguồn nước ăn uống, sinh hoạt. Bệnh hay bùng phát vào mùa hè, khi thời tiết nóng ẩm là điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển. Năm nay, bệnh tiêu chảy đã xuất hiện tại TP.HCM và có trường hợp tử vong.

Nguyên nhân gây ra bệnh tiêu chảy


Bệnh lây theo đường tiêu hóa qua thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn...

1. Nhiễm khuẩn đường ruột

Đây là nguyên nhân chính gây tiêu chảy, thường gặp khi bạn ăn phải thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, chứa vi khuẩn Salmonella, Clostridium, khuẩn tụ cầu… dẫn tới ngộ độc. Mầm bệnh từ bên ngoài đi vào cơ thể, kích thích các mô trong đường tiêu hóa, gây viêm nhiễm và đau.

Ngoài ra, việc ăn rau sống, gỏi, đồ tái sống… được tưới bằng nước bẩn, phân tươi sẽ truyền vi khuẩn E.coli, giun sán, các loại kí sinh trùng. Bên cạnh đó, việc tiếp xúc với nguồn nước bị ô nhiễm cũng có thể gây bùng phát dịch lớn như: tả, lỵ, thương hàn…

2. Vệ sinh kém

Việc giữ vệ sinh kém cũng có thể lây lan vi khuẩn gây tiêu chảy nhiễm trùng. Vì vậy, mỗi người cần rửa tay sạch sẽ sau khi đi vệ sinh và trước lúc ăn để tránh vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể.

3. Rối loạn vi sinh đường ruột

Lạm dụng thuốc kháng sinh vô tình tiêu diệt vi khuẩn có lợi, gây mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, dẫn đến giảm hấp thu, tăng nhu động ruột, hậu quả là đi ngoài nhiều lần, phân lỏng, không thành khuôn hoặc phân sống.

4. Không hấp thu đường

Một số người có cơ địa không dung nạp được các loại đường như: lactose, glucose-galactose, fructose từ các loại trái cây, mật ong, sữa và chế phẩm từ sữa… Bởi vậy, khi họ ăn những thực phẩm chứa các loại đường này thì sẽ dễ dẫn đến tình trạng tiêu chảy kéo dài. Hoặc cơ thể thiếu các men như sucrase-isomaltase, lactase… cũng là nguyên nhân gây tiêu chảy.

5. Ngộ độc thực phẩm

Do người bệnh sử dụng thức ăn bị ôi thiu, nhiễm độc hoặc chứa các chất phụ gia độc hại. Lúc này, bệnh nhân thường có biểu hiện như: đau bụng, đi ngoài dữ dội sau khi ăn xong, kèm theo tình trạng nôn mửa, tiêu chảy, sốt cao, … Thậm chí, có thể dẫn tới co giật và tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.


Ngộ độc thực phẩm là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh tiêu chảy.

6. Hội chứng ruột kích thích

Đây là bệnh do thay đổi thói quen ăn uống, sau khi ăn đồ lạ hoặc dùng một số thuốc điều trị bệnh. Nguyên nhân là do nhu động ruột co thắt quá mức và kéo dài khiến thức ăn di chuyển trong đường ruột nhanh hơn. Lúc này, nước không được tái hấp thu hoặc tiết ra quá mức từ niêm mạc ruột dẫn đến tình trạng tiêu chảy đột ngột.

7. Viêm đại tràng

Bệnh do nhiễm vi khuẩn (Shigella, Samonella, …), ký sinh trùng, nấm hoặc ngộ độc hóa chất gây nên. Ngoài ra, viêm đại tràng còn do rối loạn thần kinh thực vật, áp lực, căng thẳng tâm lý, … Người bệnh viêm đại tràng thường bị rối loạn tiêu hóa, trong đó có tình trạng tiêu chảy.

Triệu chứng của bệnh

Mất nước là một trong những biến chứng đáng lo ngại nhất của bệnh tiêu chảy ở trẻ em. Tiêu chảy nhẹ thường không gây mất nước đáng kể, nhưng tiêu chảy mức độ vừa hoặc nặng thì gây mất nước ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Mất nước nhiều rất nguy hiểm do nó có thể gây co giật, tổn thương não, thậm chí tử vong. Phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đi đến cơ sở Y tế khi trẻ có các triệu chứng:


Bệnh có một số triệu chứng điển hình đầy bụng, sôi bụng; tiêu chảy liên tục, nhiều lần..

  • Chóng mặt;
  • Chuột rút
  • Đầy hơi, đau bụng, buồn nôn;
  • Khô, dính miệng;
  • Nước tiểu màu vàng đậm, hoặc rất ít hoặc không có nước tiểu;
  • Ít hay không có nước mắt khi khóc;
  • Da lạnh, khô da;
  • Mệt mỏi;
  • Phân lỏng;
  • Đau bụng âm ỉ hoặc đau quặn;
  • Buồn nôn và ói mửa;
  • Đau đầu;
  • Ăn mất ngon;
  • Khát nước liên tục;
  • Sốt;
  • Mất nước;
  • Phân có máu;
  • Lượng phân nhiều;
  • Đi tiêu nhiều lần hoặc tiêu són, mót rặn

Điều trị bệnh tiêu chảy

Để ngăn chặn những biến chứng khó lường do tiêu chảy gây ra, người bệnh cần được điều trị càng sớm càng tốt theo các phương pháp sau:

1. Bù nước và chất điện giải

Khi bị tiêu chảy cấp, cơ thể mất khá nhiều nước và rối loạn điện giải. Do đó, việc quan trọng nhất và cần thực hiện đầu tiên là phải bù nước, chất điện giải kịp thời. Tốt nhất là uống nước đun sôi để nguội hoặc sử dụng dung dịch Oresol theo đúng hướng dẫn. Bên cạnh đó, có thể uống các loại nước khác như: nước cháo loãng, nước gạo rang, nước cơm, … Trong trường hợp bị tiêu chảy nặng, lượng nước mất hơn 5% trọng lượng cơ thể, việc bù nước bằng đường uống không đáp ứng đủ thì phải truyền tĩnh mạch. Lưu ý, bệnh nhân không được tự ý truyền nước ở nhà mà phải đến các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị đúng cách.

2. Sử dụng thuốc tây

Đối với trường hợp bị tiêu chảy nhẹ thì tình trạng bệnh có thể thuyên giảm trong vòng một vài ngày mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng không cải thiện, người bệnh bị nôn, đi ngoài ra máu, đau bụng dữ dội, sốt cao liên tục thì cần thăm khám và thực hiện xét nghiệm phân để tìm ra nguyên nhân.

Cách điều trị bệnh tiêu chảy tốt nhất sẽ cần căn cứ vào nguyên nhân cũng như mức độ nghiêm trọng của bệnh. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị tiêu chảy với các loại thuốc tiêu chảy phù hợp. Nếu bệnh nhân bị nhiễm lỵ trực khuẩn, E.coli, Salmonella thì có thể sử dụng kháng sinh như: Ciprofloxacin, Ofloxacin, Pefloxacin, … Trường hợp nhiễm khuẩn tả có thể sử dụng Tetracyclin, Cloramphenicol hoặc Biseptol.

Các loại thuốc tây được đánh giá là đem lại hiệu quả nhanh trong việc làm giảm những triệu chứng tiêu chảy. Tuy nhiên, đối với người già hoặc trẻ bị tiêu chảy cấp, hệ tiêu hóa kém thì việc sử dụng nhiều thuốc kháng sinh sẽ làm mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, lâu dần có thể dẫn đến nhờn thuốc. Do đó, cha mẹ cần thận trọng trong việc dùng thuốc khi bé bị tiêu chảy.


Thuốc tây được đánh giá là đem lại hiệu quả nhanh trong việc làm giảm những triệu chứng tiêu chảy.

3. Các bài thuốc nam

Hiện nay, các bài thuốc nam chữa tiêu chảy đang là phương pháp được nhiều người tin dùng bởi tính an toàn và hiệu quả. Người bệnh có thể tham khảo một vài cách trị bệnh tiêu chảy bằng thuốc nam dưới đây.

Bài thuốc 1:

Theo Đông y, nụ vối vị đắng, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu thực, dùng để chữa cảm sốt, đau đầu, ăn không tiêu. Ngoài ra, chất tanin có trong nụ vối giúp kích thích tiêu hóa và bảo vệ niêm mạc ruột.

Cách thực hiện: Chuẩn bị một nắm lá vối, 8g vỏ ổi rộp, 10g núm chuối tiêu 10g. Thái nhỏ phơi khô, sắc với 400ml nước đến khi còn 100ml, chia 2 lần uống trong ngày. Dùng liên tục trong vòng 2-3 ngày.

Bài thuốc 2:

Trần bì (vỏ cam, quýt) chứa hàm lượng chất xơ cao, giúp điều chỉnh nhu động ruột và tăng cường tiêu hóa. Ngoài ra, chất pectin chứa trong vỏ cam giúp kích thích sự phát triển của các vi khuẩn có lợi trong ruột. Do đó, đây là một trong những vị thuốc trị tiêu chảy, đầy bụng, khó tiêu… hiệu quả.

Cách thực hiện: Bạn chỉ cần hãm 1-2 vỏ cam với nước nóng trong 15 phút rồi uống. Phương pháp này giúp cải thiện rất nhanh các triệu chứng đau bụng, đi ngoài lỏng, đầy hơi, …

Bài thuốc 3:

Lá ổi chứa nhiều chất tanin, có tác dụng làm săn niêm mạc, giảm tiết dịch ruột, giảm nhu động, kháng khuẩn… Bởi vậy, đây là vị thuốc hỗ trợ điều trị đau bụng, đi ngoài hiệu quả.

Cách thực hiện: Người bệnh lấy khoảng 50g lá ổi vừa non vừa già, sắc nhỏ lửa với 2 bát nước. Đun sôi liên tục trong vòng 15-30 phút. Mỗi lần uống 1 chén nhỏ, ngày uống nhiều lần.

Trên đây là một số cách chữa đau bụng tiêu chảy tại nhà đơn giản, an toàn với sức khỏe. Tuy nhiên, chúng chỉ hiệu quả khi bệnh ở giai đoạn đầu, chưa kể quá trình bào chế thường mất nhiều thời gian. Đối với trường hợp bị tiêu chảy nặng (hơn 8 lần/ngày), người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế để điều trị càng sớm càng tốt.

Cách phòng chống bệnh tiêu chảy

Để phòng bệnh, Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo, người dân và cộng đồng cần:


Vệ sinh cá nhân sạch sẽ để phòng bệnh tiêu chảy. (Ảnh minh họa).

Tăng cường vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Mỗi gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh, không đi tiêu bừa bãi, không đổ rác thải, phân xuống ao, hồ, không sử dụng phân tươi, phân chưa xử lý đảm bảo vệ sinh để bón cây trồng. Bảo đảm vệ sinh nhà cửa và môi trường xung quanh, hạn chế ra vào vùng đang có dịch.

Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm: thực hiện ăn chín, uống chín, không uống nước lã, không ăn các thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn chưa được chế biến và nấu chín, các thức ăn còn sống như gỏi cá, tiết canh... Chọn mua thức ăn từ nguồn thực phẩm an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không sử dụng thực phẩm quá hạn sử dụng. Các thức ăn đã nấu chín hoặc thức ăn còn dư, để từ bữa trước sang bữa sau phải được bảo quản tốt, nếu chỉ sử dụng ngay sau một thời gian ngắn thì đậy lồng bàn, để nơi mát, thoáng gió, nếu muốn để lâu (vài tiếng trở lên) thì phải cho vào tủ lạnh, lưu ý tủ lạnh phải để ở mức độ đủ lạnh cần thiết. Rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn để đảm bảo không làm nhiễm mầm bệnh từ tay bẩn vào thức ăn; hạn chế tập trung ăn uống đông người như ma chay, đám giỗ, cưới xin, liên hoan... trong vùng đang có dịch.

Bảo vệ nguồn nước và dùng nước sạch: nguồn nước ăn uống, sinh hoạt của các gia đình phải được bảo vệ sạch sẽ, có nắp đậy, không để nguồn nước bẩn từ bên ngoài như ao, hồ, sông, suối... chảy vào. Ở những nơi không có nước máy mà đang có dịch tiêu chảy thì tất cả nước ăn uống đều phải được sát khuẩn bằng cloramin B. Cấm đổ phân, chất thải, nước giặt rửa và đồ dùng của người bệnh xuống giếng, ao, hồ, sông, suối...

Xử trí khi có người bị tiêu chảy cấp: phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời, không được để bệnh nhân ở nhà hoặc mua thuốc tự điều trị vì có thể nguy hiểm đến tính mạng và làm lây lan bệnh dịch sang cho gia đình và cộng đồng.

Cập nhật: 24/10/2019 Theo hanoimoi/khampha
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video