Thoạt đầu nghe tên, hiếm ai có thể hình dung ra sức mạnh đáng gờm của áo giáp giấy ở thời cổ đại, thậm chí còn cản được đao kiếm và súng lục khi giao chiến.
Khi hình dung về chiến tranh cổ đại, nhiều người liên tưởng đến các chiến binh vạm vỡ mặc áo giáp làm từ những miếng sắt hoặc thép. Nhưng theo các ghi chép cổ đại của Trung Quốc, sử dụng áo giáp giấy đôi khi mới là lựa chọn tốt.
Ít người biết được rằng, những người thợ xa xưa ở Trung Quốc đã sáng chế ra áo giáp giấy, một phát minh chưa từng được sử dụng ở Phương Tây. Loại áo giáp này được sử dụng vào khoảng năm 600 TCN.
Phát minh áo giáp giấy 2.600 năm tuổi
Mặc dù có vẻ ngoài "mong manh", nhưng áo giáp giấy lại cho thấy khả năng tuyệt vời khi chiến đấu. Để tạo ra loại áo giáp kỳ lạ này, thì thật thiếu sót nếu không nhắc tới phát minh giấy thời cổ đại ở Trung Quốc.
Áo giáp giấy được sử dụng ở Trung Quốc vào khoảng năm 600 TCN. (Ảnh: Discovery)
Cụ thể, trong khi nền văn minh Hy Lạp – La Mã đang phát triển mạnh ở phương Tây, thì người Trung Quốc thời cổ đại đã tự mình phát triển giấy, vũ khí, thiên văn học, toán học, và nâng cao luyện kim phức tạp ở trình độ ngang bằng hoặc đôi lúc còn tiến bộ vượt trội so với vùng Địa Trung Hải.
Như chúng ta đã biết, Trung Quốc là nơi phát minh ra giấy. Tương truyền, vào khoảng năm 105, một thái giám tên Thái Luân được cho là người đầu tiên tạo ra giấy từ sợi dâu tằm.
Những mảnh giấy được làm từ cây gai dầu thời nhà Hán.
Tuy nhiên, gần đây các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy bằng chứng rằng giấy gai dầu có thể đã được phát minh sớm hơn, khoảng gần năm 100 TCN. Sau đó, với những ưu thế vượt trội như giá thành rẻ và nhẹ, giấy viết dần thay thế các chất liệu để lưu trữ văn tự như thẻ tre, mai rùa và lụa. Ngoài những công dụng dễ thấy, người Trung Quốc cổ đại thậm chí còn dùng vật liệu này để làm áo giáp.
Trong lịch sử, người Trung Quốc đã chứng minh khả năng bảo vệ binh lính ấn tượng với nhiều loại vật liệu khác nhau, từ mai rùa, đồng, đá, da và cả thép. Thép được chế tác tài tình thành các miếng nhỏ hình vuông, chữ nhật và hình vảy cá để mang lại khả năng bảo vệ tối ưu trong chiến tranh. Tuy nhiên, điều gây ngạc nhiên là những ghi chép cổ xưa về áo giáp bằng lụa và giấy.
Theo Greg Martin, một chuyên gia về áo giáp cổ, chia sẻ trong chương trình MythBusters rằng, người Trung Quốc cổ đại đã sử dụng áo giáp làm bằng giấy từ rất sớm, khoảng năm 600 TCN.
Đặc biệt, những chiếc áo giáp giấy này được tẩm thêm nhựa thông hoặc một số loại nhựa cây khác. Ông Martin cho biết, áo giáp giấy được cho là ưu việt hơn so với áo giáp kim loại vào lúc bấy giờ.
Điều thú vị là những chiếc áo giáp giấy thậm chí còn xuất hiện trước khi giấy viết ra đời. Chúng thực sự trở thành một tư trang của các binh lính thời cổ đại khi ra chiến trường.
Được chế tạo từ 10-15 lớp giấy được làm từ vỏ cây dâu tằm, áo giáp giấy thậm chí còn được cho là có khả năng cản được cả tên bắn.
Để kiểm tra về khả năng tiềm ẩn của áo giáp bằng giấy, chương trình Mythbusters của kênh Discovery đã tiến hành một thử nghiệm để kiểm tra độ bền, so sánh sức mạnh và độ linh hoạt của loại áo giáp này so với áo giáp bằng thép từng được sử dụng cùng thời trong lịch sử của Trung Quốc.
Thử nghiệm sức mạnh của áo giáp giấy: Kết quả thật bất ngờ!
Để kiểm tra sức mạnh, nhóm thực hiện chương trình Mythbusters đã tạo ra cả hai loại áo giáp giấy, trong đó một cái tẩm nhựa thông, còn cái còn lại thì không. Giấy được sử dụng để làm nên áo giáp dày khoảng 13mm.
Sau đó, các chuyên gia đã thử sử dụng nhiều loại vũ khí để tấn công chiếc áo giáp bằng giấy, bao gồm gươm, súng lục của thế kỷ 18 và loại súng côn xoay 0,45 từng dùng trong thể kỷ 19.
Tuy nhiên, áo giáp giấy cũng có hạn chế nhất định trong việc chống lại các đòn tấn công dồn dập và tỏ ra "yếu thế" hơn so với tác động của khẩu súng ngắn ổ quay của thế kỷ 19.
Dù vậy, nhìn chung áo giáp làm bằng giấy cũng chứng tỏ rằng khả năng nó không hề kém so với áo giáp bằng thép. Chính vì vậy, các nhà khoa học đã đưa ra tuyên bố về việc người Trung Quốc cổ đại từng sử dụng áp giáp giấy để giao đấu là hoàn toàn khả thi.
Có sức mạnh tuyệt vời, nhưng áo giáo giấy lại có nhược điểm "chết người" là rất dễ tan rã khi bị ướt.
Điều này cho thấy, bên cạnh kim loại và da, những người thợ thời cổ đại đã biết cách sử dụng nhiều vật liệu khác để sáng chế ra áo giáp bảo vệ cơ thể.
Tuy nhiên, một nhược điểm "chết người" của áo giáp bằng giấy là chúng có thể nhanh chóng tan rã khi bị ướt hoặc phải hứng chịu nhiều đòn tấn công dồn dập.
Đây là một hạn chế gắn liền với ưu thế sở hữu trọng lượng nhẹ của áo giáp giấy.
Dù vậy, nhưng việc sáng chế ra áo giáp sử dụng những vật liệu sẵn có, với khả năng thậm chí còn vượt trội hơn cả áo giáp kim loại, thật sự khiến hậu thế chúng ta phải thán phục.