Bí ẩn cổ đại xuất hiện trong sa mạc Turkmenistan

Hơn 4 thiên niên kỷ trước, thị trấn pháo đài Gonur-Tepe có thể đã là một nền văn minh hiếm hoi trước khi nó bị chôn vùi trong hàng thế kỷ dưới cát bụi của sa mạc Kara Kum, Turkmenistan.

Sau khi được các nhà khảo cổ Liên Xô cũ tìm thấy vào thế kỷ trước, Gonur-Tepe, nơi từng có hàng ngàn người sinh sống và là trung tâm của một khu vực phát triển mạnh mẽ, đã dần hé lộ các bí ẩn của nó cùng các cổ vật mới được tìm thấy sau mỗi đợt khai quật mùa hè.

Quy mô của di chỉ này vô cùng rộng lớn, trải dài trên 30ha và người ta chỉ có thể ngắm nhìn nó một cách đầy đủ từ trên không. Ở trên cao, các tòa nhà cũ của thị trấn này trông giống như một mê cung trong sa mạc, được bao quanh bởi các bức tường cao.

Chỉ cách thành phố cổ nổi tiếng Merv có 50km và nằm ngoài thành phố Mary, phế tích Gonur-Tepe là một dấu hiệu cho thấy sự giàu có về các công trình khảo cổ của Turkmenistan, một trong những quốc gia biệt lập nhất thế giới.

Vào khoảng năm 2000 trước Công Nguyên, Gonur-Tepe là điểm định cư chính của khu vực Margush hay Margiana và là nơi chứa đựng một trong những nền văn minh cao nhất nhưng ít được biết tới trong thời Đồ Đồng.


Gonur-Tepe vẫn còn ẩn chứa nhiều bí mật

Di chỉ này đã được nhà khảo cổ nổi tiếng Viktor Sarianidi của Liên Xô tìm thấy. Năm nay ở tuổi 84 nhưng ông vẫn có ý định làm việc thêm 1 mùa hè nữa ở phế tích.

"Tôi nhớ rất rõ sự vui sướng của mình khi lần đầu tiếp xúc với di chỉ khảo cổ Klondike. Một cảm giác rất mạnh nằm ngay dưới chân bạn" - vị giáo sư người Nga nói với hãng tin AFP.

Mỗi mùa khảo cổ diễn ra ở Gonur-Tepe thường mang tới các khám phá quan trọng, cho thấy trình độ làm nghề thủ công rất cao của các nghệ nhân thời Đồ Đồng trong thị trấn này.

Họ có thể nấu chảy kim loại, làm các thỏi vàng và bạc, tạo nên các vật liệu phục vụ thờ cúng, biết cách chế tác xương và đá.

"Thật kinh ngạc khi biết những người ở đây đã sở hữu các kỹ năng hết sức hiện đại. Các thợ thủ công ở đây đã biến cách biến đổi hình dạng của đá tự nhiên bằng nhiệt cao và rồi tráng phủ men ra bên ngoài" - nhà khảo cổ Nadezhda Dubova nói.

"Năm nay, Gonur lại mang tới cho chúng tôi một bất ngờ mới, món đồ khảm đẹp đẽ" - bà nói và cho biết các đồ khảm như thế có niên đại còn sớm hơn thời đại chế tác đồ khảm ở Hy Lạp và La Mã.

Phế tích Gonur-Tepe là trung tâm của một mạng lưới các thị trấn và khu định cư nằm trong khu vực đồng bằng châu thổ sông Morghab đã chảy qua Turkmenistan từ nguồn nước nằm ở Afghanistan.

Gonur-Tepe nằm cách trung tâm tỉnh Mary khoảng 3 giờ chạy xe, băng qua các nông trại hợp tác xã giờ đã nằm im không được sử dụng.

Mary, cách thủ đô Ashgabat 380km, là một thành phố cấp tỉnh điển hình ở Turkmenistan, nơi có 200.000 người sinh sống và được xây dựng chủ yếu theo phong cách Liên Xô với các đường sắt kết nối và các tòa chung cư cao thấp.

Cách Mary khoảng 30km là một sự vinh quang khác của khu vực: phế tích của thành phố Merv, nơi đã từng có vị trí rất quan trọng dưới thời Đế quốc Ba Tư và đã đạt đỉnh dưới sự lãnh đạo của người Turkic trong thế kỷ 12 sau Công Nguyên.

Merv đã rơi dần vào suy thoái sau khi bị quân Mông Cổ cướp phá vào năm 1221 trong một cuộc chinh phạt chết chóc đã khiến hàng chục ngàn người chết. Phế tích của nó nay cũng hiu quạnh như phế tích Gonur-Tepe.


"Trong khu vực này có 354 di chỉ khảo cổ và 95% trong số đó cho
tới nay vẫn chưa được các chuyên gia nghiên cứu" (Nguồn: AFP)

Kho tàng lớn nhất của phế tích này là lăng Seljuk Sultan Sanjar vẫn được bảo tồn cẩn thận. Dưới thời của nhà lãnh đạo này, Merv là một thành phố có 200.000 dân và từng là một trong những điểm định cư đông dân nhất thế giới.

Theo kiến trúc sư và sử gia Turksmenistan Ruslan Muradov, lăng này có đường kính hơn 17 mét và bản thân nó cũng là một cuộc cách mạng về thiết kế.

Thiết mái vòm của lăng đã "đi trước tới 300 năm so với các ý tưởng của kiến trúc sư vĩ đại thời Phục Hưng Filippo Brunelleschi", người đã thiết kế mái vòm lớn trong nhà thờ Florence.

Không giống như Gonur-Tepe, phế tích Merv đã được khai phá từ thời các Sa hoàng Nga, khi Turkmenistan vẫn là một tiền đồn trong Đế quốc Nga. Nó đã được UNESCO đưa vào danh sách Di sản thế giới từ năm 1999.

Theo Viktor Turik, một sử gia làm việc tại bảo tàng lịch sử Mary, các nhà khảo cổ mới chỉ khai phá được một phần nhỏ trong khu vực Mary rất giàu các di chỉ khảo cổ.


Phế tích Gonur-Tepe vẫn còn khá nguyên vẹn. (Nguồn: AFP)

"Trong khu vực này có 354 di chỉ khảo cổ và 95% trong số đó cho tới nay vẫn chưa được các chuyên gia nghiên cứu" - ông nói.

Turkmenistan hiện vẫn là một trong những quốc gia biệt lập nhất thế giới, nhưng vẫn thu hút rất đông du khách tới thăm mỗi năm, phần lớn là trong các tour du lịch được tổ chức đặc biệt.

Mary chỉ có 3 khách sạn, dù Tổng thống Gurbanguly Berdymukhamedov gần đây đã ra lệnh xây dựng một khách sạn 350 phòng để tăng cường du lịch.

Trong khi đó, vẫn còn những câu hỏi chưa được giải đáp về việc phải làm gì với những cổ vật vàng và bạc đã được khai quật trong khu vực và sẽ cần phải trải qua một quá trình phục chế, bảo tồn cẩn thận.

Một nhân viên đề nghị giấu tên của cơ quan di sản quốc gia Turkmenistan nói rằng một dự án bảo tồn đã từng được lên kế hoạch thực hiện cùng bảo tàng Louvre ở Paris, nhưng đã không thành công.

"Nhiều phát hiện rất độc đáo, không giống bất kỳ thứ gì khác trên thế giới đang nằm yên chờ đợi khoảnh khắc tỏa sáng của mình trong các kho chứa của các bảo tàng Turkmenistan" - người này nói.

Theo Vietnam+
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video