Vẻ ngoài lạ lùng của một số bông hoa hướng dương trong các bức tranh của Vincent Van Gogh không phải là hệ quả của chứng bệnh tâm thần. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy những bằng chứng cho thấy đây là hình ảnh của những bông hoa hướng dương bị đột biến.
>>> Phát hiện hóa thạch loài hoa cúc cổ nhất thế giới
Theo Live Science, hoa hướng dương điển hình thường có phần tâm có những hạt hướng dương màu nâu, một vòng cánh hoa màu vàng nhưng hoa hướng dương đột biến thì dường như có số lượng cánh hoa tăng gấp đôi với cánh hoa mảnh, dài và phần tâm được thu nhỏ. Một trong số giống hoa đột biến này được gọi là Teddy Bear, một loài hoa hướng dương nhưng lại trông không khác gì một cây bồ công anh khổng lồ.
Hoa hướng dương trong tranh Van Gogh.
Các nhà nghiên cứu cũng đã tìm thấy một đột biến di truyền “phải chịu trách nhiệm” cho những khác biệt này. Ngoài ra, nhà nghiên cứu John Burke, tại Đại học Georgia, cho rằng phát hiện này, ngoài việc đem lại những nét thú vị từ góc độ lịch sử, còn có thể đem lại những lợi ích kinh tế khi phát triển những hoa hướng dương đột biến.
Những người làm vườn vừa có thể giữ lại những giống hoa có nét đẹp độc đáo, vừa có thể cung cấp những bông hoa này cho các nghệ sĩ. Điều may mắn là, có nhiều giống hoa hướng dương đột biến không quá khó để gây trồng.
Hoa hướng dương Teddy Bear.
Để hiểu được cơ sở di truyền của khác biệt này, Burke và các đồng nghiệp của ông đã bắt đầu bằng cách pha trộn các giống hoa hướng dương phổ biến và các giống hoa hướng dương hoang dã. Kết quả họ thu được từ các mô hình này đã cho thấy có một gene trội duy nhất “chịu trách nhiệm”, được gọi là gene HaCYC2c.
Burke không thể giải thích chính xác sự kết hợp nào có thể dẫn tới bản sao của gene đột biến đã tạo những bông hoa có phần nhị màu xanh lá cây trong seri tranh nổi tiếng của Van Gogn, nhưng ông khẳng định gene HaCYC2c đóng một vai trò lớn.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí PLos Genetics.